'Văn hóa nghi ngờ'

(PLO) - “Ở phương Tây khi có ý tưởng mới, sáng tạo thì luôn nhận được sự cổ vũ, ý tưởng đó sẽ nảy nở và phát triển. Còn ở phương Đông, khi có ý tưởng mới được đưa ra sẽ có rất nhiều câu hỏi kèm theo: Có lợi không? Có khả thi không? Nhiều khi thói quen ấy của chúng ta đang làm triệt tiêu sự sáng tạo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ như vậy tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sáng 16/9.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Đúng là chưa bao giờ chúng ta tự “làm khó” mình như bây giờ.

Đất nước cần rất nhiều thứ, khắc phục nhiều “điểm nghẽn” để phát triển như: cải cách thể chế, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội và nguồn nhân lực…Tuyệt nhiên chưa ai nói đến thứ rất cần, đó là lòng tin.

Chúng ta bị đổ vỡ lòng tin ở con người với nhau, mất niềm tin về rất nhiều thứ, tất nhiên không tiện nói ra. Đến mức chưa bao giờ như bây giờ, chính lòng tốt, nghĩa cử nhân ái, từ tâm bị nghi ngờ, “ném đá”.

Với hàng hóa, người tiêu dùng mất lòng tin là doanh nghiệp phá sản. Đừng để người tiêu dùng không có chỗ đặt lòng tin của mình, hay nói cách khác, đừng để họ thấy chới với, không biết đặt lòng tin vào đâu. Nếu người tiêu dùng mất niềm tin đối với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa thì nền sản xuất sẽ ra sao đây? Chắc chắn phá sản.

Cuộc sống vốn phức tạp, có muôn màu, muôn vẻ. Trong cái thế giới này có biết bao nhiêu hạng người, tốt cũng có, xấu cũng có, ông Bụt cũng có mà ác quỷ cũng có. Lòng tốt ngày càng trở thành “xa xỉ” nên con người dễ thờ ơ, vô cảm. Lòng tin nó không giống như hạnh phúc, nó có thể tự sinh ra và tự mất đi. Nhưng niềm tin không dễ để có được nó. Đôi khi chúng ta mất cả đời mà vẫn chưa có được cái được gọi là “lòng tin”.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, lòng tin vô cùng quan trọng. Nhân dân của thời đại “công nghệ 4.0” nhìn vào người lãnh đạo cấp cao. Trên phải làm gương, nói đi đôi với làm và phải từ trên xuống. Không có con đường nào khác. Lãnh đạo Trung ương lo bổ nhiệm “người nhà” thì lãnh đạo tỉnh, huyện và các bộ, ngành sẽ “noi theo”, đó là thực tế của công tác cán bộ gây nhức nhối xã hội trong 5 – 7 năm vừa qua. Tất nhiên, tất cả đều “đúng quy trình”.

Đây chính là “mảnh đất” màu mỡ để “văn hóa nghi ngờ” hình thành và phát triển, trở thành một lực cản to lớn đối với quá trình phát triển của đất nước.

Hơn bao giờ hết, đất nước cần đoàn kết. Để đoàn kết, trước hết và cốt lõi phải có niềm tin. Đây chính là giá trị của những bài học lịch sử. 

Giải bài toán về lòng tin, trách nhiệm thuộc về những người lãnh đạo của bất cứ một chính thể nào, từ cao nhất đến các cấp.