Người dành cả cuộc đời mình gắn bó với “Nghĩa trang chó mèo” ở Hà Nội

(PLVN) - Không cách xa mặt phố Trương Định ồn ào là mấy nhưng khi bước qua cánh cổng chùa “Tề Đồng Vật Ngã”  là một không gian khác hẳn: thoáng mát, tĩnh lặng và hơi ảm đạm hệt như khi ta bước vào các khu nghĩa trang khác. Nhưng nghĩa trang này đặc biệt hơn hết bởi nó chỉ dành riêng cho chó mèo – những con vật nuôi vô cùng quen thuộc, gắn bó với nhiều gia đình.

Chủ nhân của nơi này, ông Nguyễn Bảo Sinh (Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được mọi người biết đến là “Vua chó mèo” hay đặc biệt hơn, có người ta gọi ông với “hỗn danh” “Sinh chó”. 

Nơi an táng của hơn 5.000 chú thú cưng

Nghĩa trang thú cưng “Bảo Sinh Viên” là nghĩa trang tư nhân đầu tiên tại Hà Nội dành cho thú cưng với diện tích 2.000 mét vuông. Được xây dựng đã nửa thế kỷ, đây là nơi yên nghỉ của hơn 5.000 thú cưng được an táng bằng nhiều hình thức khác nhau như hỏa táng, địa táng, thủy táng.

Lý giải vì sao ông lại tâm huyết xây dựng nên khu nghĩa trang lạ lùng này, ông kể  từ nhiều năm trở về trước, người miền Bắc nuôi chó mèo chủ yếu để giữ nhà, bắt chuột... Nhưng sau này, đời sống của mọi người được nâng cao, con người quan tâm đến thú cưng với một thái độ nhân văn hơn. Bằng chứng là người ta nuôi con chó, con mèo chẳng may bị bệnh tật, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để chữa chạy. Nếu chúng chết, họ cũng tổ chức mai táng cho chúng.  

Chùa “ Tề Đồng Vật Ngã”, nơi an táng của hơn 5.000 chú thú cưng
Chùa “ Tề Đồng Vật Ngã”, nơi an táng của hơn 5.000 chú thú cưng

Là khu nghĩa trang cho thú cưng nên "mộ tổ" ở đây là một chú chó tên gọi Ami –  (Ami theo tiếng Pháp có nghĩa là “người bạn”). Ami là chú chó trung thành và là người bạn với gia đình ông Sinh. Vì quá thương tiếc chú chó,  khi Ami mất đi, ông Sinh đã đem chôn cất trong vườn nhà.

Sau này khi xây nghĩa trang, ông đặt bia mộ Ami ở chính giữa và gọi là "mộ tổ". Ami cũng là lý do khiến ông nghĩ mình cần xây nghĩa trang cho thú cưng vì sẽ có rất nhiều người có tình yêu động vật giống như ông.

Trải lòng về nguyên nhân khiến ông quyết một đời gắn liền với thú cưng, với nghĩa trang chó mèo, ông Sinh cho biết, ông luôn tin rằng, tình yêu bao dung nhất chính là yêu ngay cả khi những thứ mình yêu đã không còn tồn tại. Đó chính là lý do lớn nhất khiến ông xây dựng khu nghĩa trang dành cho thú cưng.

Ông Nguyễn Bảo Sinh làm lễ an táng cho thú cưng
Ông Nguyễn Bảo Sinh làm lễ an táng cho thú cưng

Khi được hỏi tại sao ông lại đặt tên chùa là “Tề Đồng Vật Ngã” ông chia sẻ: “Chùa Tề đồng vật ngã thể hiện quan niệm tinh hoa Phật giáo là con người và con vật bình đẳng, nên con vật cũng cần được an  táng, cầu siêu.”

Những ngày trông coi nghĩa trang này, ông đã gặp nhiều người, già có, trẻ có, họ đều thương tiếc con vật mình nuôi như một người thân trong gia đình, lúc sống đã yêu thương, lúc chết cũng rơi nước mắt, chăm lo nơi yên nghỉ chu đáo.

Mộ phần một chú cún tên Bột
Mộ phần một chú cún tên Bột

Tình yêu động vật và thấu hiểu triết lý nhân sinh là vậy nhưng có thời điểm việc ông làm vấp phải sự phản đối của người thân, cô đơn trong tâm hồn khi mà những người thân yêu nhất cũng không hiểu việc mình làm.

Dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghĩa trang chó mèo 

Bao nhiêu năm làm an táng thú cưng là bấy nhiêu năm ông Sinh chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của chủ dành cho thú cưng của mình. Trong đó, có những câu chuyện khiến ông nhớ mãi: “Chuyện thì có nhiều lắm. Như có người đem con dế, con cá vàng đến nhờ tôi an táng. Hay như có cô sinh viên cứ 10 giờ đêm ra mộ thú cưng của mình hút thuốc lá, dù không biết hút, thi thoảng lại ho sù sụ.  Hỏi ra mới biết con chó của cô ấy nghiện thuốc lá, cứ đúng 10 giờ bố cô ấy hút thuốc là con chó lại ngồi lại gần, nếu nó không ngửi thấy mùi thuốc thì nó sẽ sủa.”, ông nói.

Những chú thú cưng được chủ nhân quý trọng lập mộ phần, hương khói đầy đủ
Những chú thú cưng được chủ nhân quý trọng lập mộ phần, hương khói đầy đủ

Gắn bó với nghĩa trang đã gần 20 năm, chị Hương người chăm sóc từng nhành cây ngọn cỏ ở đây tâm sự: “Chị làm ở đây cũng được gần 20 năm rồi; nhà ở Quốc Oai nên làm ở đây cứ sáng đi chiều về. Ban đầu gia đình cũng không cho đi, dù nghề thú y của chị tìm việc ở quê không khó nhưng thôi chị thích công việc ở đây rồi, biết sao được. Chị quyết tâm gắn bó đến giờ cũng vì cảm phục lẽ sống, triết lý nhân sinh quan của bác.”

Chút tuổi già an vui bên những trang thơ

Với những người yêu chó mèo ở Hà Nội, địa chỉ ngõ 167 Trương Định đã trở nên hết sức quen thuộc. Bởi đó là khách sạn và nghĩa trang chó mèo độc nhất vô nhị. Nhưng ít người biết rằng, ông Sinh, chủ nhân của công trình đó còn là một nhà thơ dân gian trứ danh.

Thật khó để gọi ông Sinh bằng một danh xưng chính xác. Trên lý lịch, ông ghi nghề nghiệp là vẽ tranh truyền thần và cũng có hẳn cửa hàng tranh truyền thần trên phố. Thời trai trẻ, ông cũng từng là giáo viên, có lúc làm võ sư nhưng hiện nay mọi người biết đến ông nhiều nhất với tên “Vua chó mèo” đất Bắc và là một nhà thơ dân gian.

Nhắc tới nhà thơ Bảo Sinh, có thể nhiều người không biết đến, nhưng những câu thơ của ông như “Ra đường sợ nhất công nông – về nhà sợ nhất vợ không nói gì” hay “Vợ là cơm nguội nhà ta – lại là phở tái thằng cha láng giềng” lại được nhiều người biết tới.

Ông tự họa mình như sau: 

Làm thơ nuôi chó chọi gà

Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ

Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ

Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà

Một nhà thơ để có vài câu thơ được người đọc biết là rất khó nhưng nhà thơ dân gian Bảo Sinh có hàng trăm, hàng ngàn câu được mọi người truyền miệng, ghi nhớ. Ông là đại diện cho một thế hệ những nhà thơ dân gian ở Việt Nam với những vần thơ tếu táo, đậm tính triết lý.

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng dành nhiều tình cảm khi viết về ông Sinh: “Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca.”

Đọc thêm