Tết 2019, sẽ không còn thảm họa thẩm mỹ trên đường phố Hà Nội?

(PLO) - Chào đón năm mới 2019 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội (VH-TT) đã có nhiều đổi mới trong công tác trang trí, chiếu sáng trên địa bàn TP Hà Nội nhằm làm đẹp cảnh quan đường phố nhưng vẫn gìn giữ được nét đẹp cổ kính của Thủ đô nghìn năm tuổi. Người dân Thủ đô mong rằng việc trang trí đường phố sẽ không còn những “thảm họa về thẩm mỹ”, “ô nhiễm ánh sáng”, những đèn hoa “vô hồn và chết yểu”, gây mất an toàn giao thông, lãng phí tiền của.
Phố Ngô Quyền Tết 2018
Phố Ngô Quyền Tết 2018

Gìn giữ nét đẹp của Thủ đô nghìn năm tuổi

Chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô đầu năm 2019, Sở VH-TT Hà Nội cho biết đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác trang trí chiếu sáng trên địa bàn TP với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Trang trí chiếu sáng các tuyến đường phố; trang trí cụm mô hình tại các quảng trường, đảo giao thông; trang trí cổng vòm tại các cửa ngõ của Thủ đô; phát động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện vệ sinh, trang trí, chiếu sáng mặt tiền trụ sở các cơ quan, công sở, các tòa nhà, khách sạn…

Sở VH-TT cũng phối hợp với Công ty Cây xanh Hà Nội tổ chức trang trí cây hoa, cây cảnh tại các tuyến đường, khu vực trung tâm TP. Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, công tác trang trí được thực hiện đồng bộ từ TP đến cơ sở sẽ góp phần làm đẹp mỹ quan đường phố Thủ đô chào mừng năm mới 2019.

Dư luận hy vọng bởi những năm trước có tình trạng trang trí hoa lá cây, biểu tượng, biểu ngữ khẩu hiệu bị nhiều người dân phản đối “sặc sỡ, lòe loẹt, cầu kỳ” dẫn đến phải gỡ bỏ, gây lãng phí ngân sách nhà nước mà lại “không hiệu quả”, “gây khó chịu cho người dân”.

Rút kinh nghiệm, Sở VH-TT Hà Nội triển khai hoạt động trang trí, chiếu sáng theo quy trình chặt chẽ, thống nhất gồm 3 bước: Lắp dựng thí điểm các mẫu trang trí chiếu sáng; Xin ý kiến góp ý của các chuyên gia trong ngành mỹ thuật, các nhà quản lý, các cơ quan, đơn vị liên quan và đông đảo người dân Thủ đô; Điều chỉnh và hoàn thiện các mẫu trang trí, tuyên truyền trước khi thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố. Nguồn kinh phí phục vụ công tác trang trí chiếu sáng thành phố được huy động từ nguồn lực xã hội hóa.

Đáng nói, từ năm 2016, Cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố hàng năm, tổ chức bởi Sở VH-TT, đã và đang thu hút nhiều họa sĩ, sinh viên đến từ các trường đại học chuyên ngành tham dự nhằm chọn lọc những mẫu thiết kế trang trí đẹp và ấn tượng, văn minh và hiệu quả.

Các mẫu thiết kế trang trí phải đảm bảo đầy đủ 5 tiêu chí: Chuyển tải được ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội vào thời điểm diễn ra các ngày lễ, kỷ niệm; Có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với môi trường cảnh quan, hệ thống chiếu sáng và kiến trúc đô thị; Tạo được điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân; Chứa đựng ý tưởng sáng tạo và phù hợp với xu hướng trang trí hiện đại; Ưu tiên những phương án ứng dụng công nghệ mới, sử dụng vật liệu phù hợp, màu sắc trang nhã, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, an toàn trong quá trình thi công và sử dụng, thân thiện với môi trường.

Sẽ không còn “mạnh ai nấy làm”

Vẫn nhớ, việc chăng đèn hoa “chằng chịt, vắt vẻo qua đường” ở đường phố, phố đi bộ vào dịp Tết các năm trước từng bị nhiều người dân phản ánh “gây rối mắt, chói mắt”; lại nói, “đèn giăng xung quanh gốc cây cổ thụ lớn, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây, dễ gây cháy nổ”, “lượng đèn tiêu tốn nhiều điện gậy hoang phí”, “cản trở giao thông”.

Trước những ý kiến phản ánh trên, năm 2019, Sở VH-TT đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố không triển khai các mẫu trang trí chăng ngang đường. Các cổng chào cũng được đưa ra các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô để đảm bảo văn minh đô thị và an toàn giao thông.

Các thiết kế đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện năng, thân thiện môi trường và phù hợp với cảnh quan. Sở VH-TT cũng sẽ phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội lắp dựng các khung chiếu sáng đảm bảo an toàn, phù hợp với mỹ quan và hệ thống chiếu sáng công cộng. 

Mỗi khi Tết đến, thói quen hàng năm của người dân Thủ đô là sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, quán xá và đường phố xung quanh nơi họ sống. Tuy vậy, việc “mạnh ai người nấy làm”, không có sự định hướng, kiểm soát đã khiến mỹ quan đô thị bị “lệch tông” bởi có nơi đẹp đẽ lung linh, có nơi mờ nhạt lạc lõng, không có sự thống nhất.

Để giải quyết vấn đề này, Sở VH-TT Hà Nội đã đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã về việc vận động các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân thực hiện trang trí, làm đẹp các tòa nhà, cơ quan, công sở, hộ gia đình trên địa bàn, nhằm thống nhất trong công tác trang trí đường phố Thủ đô từ thành phố đến cơ sở.

Công tác trang trí tự phát vẫn phải đảm bảo các tiêu chí: An toàn, thẩm mỹ, sử dụng màu sắc trang nhã, tiết kiệm điện năng…Bên cạnh đó, để khuyến khích nguồn cảm hứng sáng tạo cho người dân, Sở VH-TT sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố tổ chức chấm điểm về việc trang trí cây hoa, cây cảnh và tuyên truyền, trang trí trên địa bàn thành phố.

Với những đổi mới trong công tác tổ chức và triển khai thực hiện, ngành Văn hóa Hà Nội hy vọng rằng công tác trang trí, chiếu sáng năm 2019 trên địa bàn thành phố sẽ ngày càng hấp dẫn, hiệu quả, khắc phục được những sai sót, được các tầng lớp nhân dân Thủ đô đồng tình ủng hộ, cũng như là một điểm nhấn đặc biệt đối với du khách từ phương xa.  

Đồng thời, Sở VH-TT luôn sẵn sàng đón nhận những ý kiến đóng góp của người dân về việc thay thế những phương án khác tốt hơn, để tổ chức thực hiện công tác trang trí, chiếu sáng phù hợp, hiệu quả góp phần làm cho cảnh quan Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp hơn.

Tại hội nghị giao ban tháng 11/2018, UBND TP Hà Nội thông tin sẽ thực hiện trang trí chiếu tại 10 tuyến đường trung tâm thành phố gồm: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bài, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Thanh Niên, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học.
Theo đó, thành phố cũng sẽ tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính và các khu vực trung tâm thành phố như: phố Trần Nhân Tông; ngã tư phố Giảng Võ - Cát Linh; Phú Xuyên; Chương Mỹ; Xuân Mai; Ngọc Hồi; Trang trí 06 cụm pano cố định (theo hình thức xã hội hóa) tại: Ngã tư Liễu Giai - Kim Mã (đối diện khách sạn DAEWOO); ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn; ngã tư Sở; phố Hoàng Liệt (đối diện Bến xe Nước Ngầm); nút giao Ô Chợ Dừa; quốc lộ 1A Ninh Hiệp - Gia Lâm.

Đọc thêm