Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam: Nhiều bất cập trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư

(PLO) - Trong giai đoạn 2012-2016, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thực hiện hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng hàng không. Thế nhưng, kết quả thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại của ACV trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư.
Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam: Nhiều bất cập trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư

Quy hoạch chưa sát

Theo nguồn tin của PLVN, tại Kết luận thanh tra số 5045/KL-BGTVT, Bộ GTVT chỉ rõ, công tác quy hoạch các cảng hàng không chưa sát với tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hóa dẫn đến một số cảng hàng không bị quá tải, trong khi một số cảng hàng không chưa đạt công suất theo quy hoạch:

Cụ thể, theo Quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cải tạo, mở rộng nhà ga đạt công suất 25 triệu hành khách/năm nhưng thực tế đến năm 2016, lưu lượng hành khách đã vượt 32 triệu lượt. 

Trong khi đó, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) đến năm 2015 xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình, công suất 4-5 triệu hành khách/năm, dự phòng mở rộng đạt 7-8 triệu hành khách/năm nhưng thực tế tại thời điểm năm 2016, lưu lượng hành khách mới chỉ đạt hơn gần 1,8 triệu lượt, thấp xa so với quy hoạch. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng hàng không Cà Mau.

Giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, ACV đã đầu tư xây dựng 85 dự án có tổng mức đầu tư các dự án hơn 42.140 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn NSNN là 1.420,9 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ là 4.221,7 tỷ đồng; vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng; vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng. Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại.

Cụ thể, theo số liệu đơn vị báo cáo giai đoạn 2011 – 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; cũng có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch. Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, ACV cũng để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. 

Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự án còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… như tại dự án đường vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Mặc dù lập dự án đầu tư theo quy hoạch, tuy nhiên quy hoạch còn hạn chế nên một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu Cảng hàng không Pleiku.

Thậm chí, một số dự án ACV phê duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về hồ sơ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, ý kiến thoả thuận của các cơ quan như phòng cháy, chữa cháy, cấp điện, cấp thoát nước, cảng vụ… như dự án mở rộng nhà ga Cảng hàng không Phú Quốc, dự án nhà ga hành khách Cảng hàng không Vinh… 

Thiết kế tiêu chuẩn Anh, Mỹ thi công tiêu chuẩn Việt Nam

Đáng lưu ý, tại nhiều dự án, công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải thay đổi thiết kế cơ sở, bổ sung hạng mục dự án, điều chỉnh hạng mục dự án, tổng mức đầu tư... Tại một số dự án, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật chưa cao, chưa sát với thực tế...

Các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng chủ yếu tiêu chuẩn Anh, Mỹ. Tuy nhiên trong quá trình thi công, nghiệm thu, chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam như Dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không Phú Quốc, Dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không Vinh... là chưa phù hợp.

Về công tác đấu thầu: Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu, tuy nhiên, có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia, chẳng hạn như gói 4, 5, 5a Dự án nhà ga hành khách Cảng hàng không Phú Quốc hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật như ở gói 5b Phú Quốc, gói 6, 6B, 6C Dự án nhà ga hành khách Cảng hàng không Vinh dẫn đến chưa có sự cạnh tranh về giá.

Mặc dù ACV đã thuê đơn vị tư giám sát nhưng chất lượng công tác giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao. Một số công tác chưa tuân thủ theo quy định phải nghiệm thu theo quy trình để kiểm soát khối lượng, chất lượng. Một số công tác, thiết bị lắp đặt thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế hoặc điều kiện hợp đồng, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán, nghiệm thu còn trùng lắp, không đúng khối lượng; nhật ký giám sát chưa ghi chép đầy đủ theo quy định. Một số dự án chậm tiến độ thi công, việc xử lý phát sinh thay đổi thanh quyết toán chậm, có những hạng mục thay đổi vật liệu nhưng hồ sơ thanh toán chưa điều chỉnh giá.

ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ; vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước, vì vậy với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Cũng tại Kết luận thanh tra số 5045/KL-BGTVT, Bộ GTVT đã yêu cầu ACV thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý tổng số tiền về kinh tế là hơn 117 tỷ đồng. 

Đọc thêm