Quản lý thông tin thuê bao di động: Có thể khai thác cơ sở dữ liệu dân cư

(PLO) - Hà Nội có thể trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để quản lý thông tin thuê bao di động, vừa đơn giản hóa việc đăng ký thông tin thuê bao, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên thông cơ sở dữ liệu

Theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nhà mạng có thời gian 3 tháng tính từ ngày Nghị định được ban hành (ngày 24/4/2017) để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai chụp ảnh người đăng ký thuê bao di động và trong vòng 1 năm (tức là đến ngày 24/7/2018) phải hoàn thành và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm các thông tin thuê bao của mình là chính xác.  

Như đã thông tin, trong số 120 triệu thuê bao di động đang hoạt động, thì số lượng thuê bao đăng ký thông tin chưa chính xác chiếm tới 75%, tức là có tới khoảng 90 triệu thuê bao cần phải ra cửa hàng giao dịch hoặc đại lý ủy quyền của nhà mạng để bổ sung thông tin (gồm chụp ảnh). 

Và với việc mỗi nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone có hàng chục triệu thuê bao như hiện nay thì việc triển khai chụp ảnh bảo đảm tiến độ trong 1 năm là không dễ dàng, nhất là trong điều kiện còn phải tuyên truyền và vận động người dân chấp hàng các quy định của Nghị định...

Thêm nữa, có một vấn đề cũng được các nhà mạng đặt ra đó là về tính chính xác của chứng minh thư nhân dân (CMTND). Không loại trừ việc khách hàng mang chứng minh thư đến đăng ký thông tin thuê bao, nhưng CMTND đó không phải của khách hàng, mà nhận viên giao dịch lại không đủ điều kiện và nhận thức để phát hiện được điều này… 

Cũng từ vấn đề này đặt ra việc liên thông với các cơ sở dữ liệu của ngành công an, mà trong đó có cơ sở dữ liệu dân cư được đánh giá là có hệ thống thông tin đầy đủ nhất, bao gồm cả số CMTND, địa chỉ, bản ảnh nhận dạng... Đáng chú ý, Thủ đô Hà Nội là địa phương duy nhất hiện được chuyển giao quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn. 

Tại một số cuộc họp về ứng dụng công nghệ thông tin của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để xây dựng đơn giá thu phí tra cứu với dịch vụ cơ sở dữ liệu dân cư để đăng ký thông tin thuê bao (dự kiến 1.000 

đồng/lần). Đồng thời giao Sở TT&TT làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động để bàn thảo về việc hợp tác khai thác dữ liệu phục vụ việc đăng ký thông tin thuê bao. Về vấn đề này, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội - cho biết, hiện Sở Tài chính đang xây dựng mức phí dịch vụ này và phải trình xin ý kiến của Bộ Tài chính để triển khai.

Nhà mạng sẵn sàng trả tiền để được đối soát thông tin

Trước đó, ông Hoàng Sơn - Phó Tổng Giám đốc Viettel - cho biết, thực hiện yêu cầu của Chính phủ phải chụp ảnh những khách hàng đến đăng ký lại thông tin không chính xác và đăng ký thuê bao mới từ ngày 1/7/2017, Viettel đã đầu tư hệ thống webcam tại hệ thống cửa hàng của mình. Việc đầu tư webcam của Viettel làm cho khách hàng đến đăng ký thuê bao mới và thuê bao có thông tin cá nhân chưa chính xác sẽ thấy yên tâm về bảo mật thông tin khi hệ thống webcam này nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu của nhà mạng chứ không phải lưu trữ trên smartphone cá nhân của nhân viên giao dịch. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống webcam cũng làm cho khách hàng cảm thấy thân thiện hơn vì nó giống như chụp ảnh tại hải quan khi xuất nhập cảnh ở các nước. Như vậy, khách hàng không e ngại khi nhà mạng chụp ảnh lưu trữ thông tin cá nhân.

Ông Hoàng Sơn cho biết, hệ thống webcam này chỉ được đầu tư tại các cửa hàng giao dịch của Viettel, nhưng ở những nơi vùng sâu, vùng xa việc đăng ký mới hoặc đăng ký lại thông tin cá nhân Viettel sẽ triển khai tại nhà khách hàng thì bắt buộc phải dùng smartphone để chụp ảnh và lưu trữ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, ông Hoàng Sơn cũng đề cập đến vấn đề phải có cơ sở dữ liệu CMND từ phía Bộ Công an để nhà mạng có thể đối chiếu với dữ liệu của mình và xem xét tính chính xác việc đăng ký thông tin cá nhân của khách hàng đăng ký. Thậm chí, phía Viettel sẵn sàng trả phí cho khâu đối soát thông tin này.  

Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết, ngoài việc đẩy mạnh khâu truyền thông để khách hàng hiểu và hợp tác, MobiFone cũng đang sàng lọc chuẩn bị cho việc nhắn tin mời khách hàng đến cửa hàng cập nhật thông tin, đảm bảo quyền lợi cho chính mình. Đại diện MobiFone cũng cho biết, nhà mạng này cũng khẳng định ảnh chụp khách hàng khi thực hiện giao kết hợp đồng phải là ảnh chụp tại chỗ, chứ không chấp nhận việc khách hàng tự gửi ảnh. MobiFone có trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin khách hàng theo Luật Viễn thông và các quy định hiện hành. 

Đọc thêm