Cuộc khám xét “tiền đè chết người” trong nhà một 'quan tham'

(PLO) - Các điều tra viên Trung Quốc đã bị sốc khi phát hiện số tiền lên đến 270 triệu nhân dân tệ, nặng đến gần 3 tấn tại nhà của “quan tham” Lai Xiaomin. Ngoài tiền bạc, đối tượng này còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ và quyền hạn để “tham nhũng tình dục”.
Cựu Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản Nhà nước Huarong Lai Xiaomin.
Cựu Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản Nhà nước Huarong Lai Xiaomin.

Vụ tham nhũng lớn bậc nhất

Giữa tháng 10 vừa qua, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương – cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc – thông báo, cựu Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản Nhà nước Huarong Lai Xiaomin đã bị khai trừ khỏi đảng và bị cách chức vì vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng và quy định của pháp luật. 

Từng có thời gian dài công tác tại ngân hàng trung ương Trung Quốc, năm 2012, Lai Xiaomin được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy của Công ty Huarong - một công ty được thành lập vào cuối năm 1999 để tiếp quản tài sản và xử lý các khoản nợ xấu trong ngành ngân hàng của Trung Quốc.

Nhờ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ, công ty Huarong do Lai điều hành đã phát triển mạnh mẽ, từ một doanh nghiệp làm ăn bết bát chuyển mình mạnh mẽ thành một trong 4 công ty quản lý tài chính nhà nước lớn nhất trong ngành công nghiệp tài chính của Trung Quốc. 

Huarong dưới sự điều hành của Lai cũng đã mở rộng quy mô hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm chứng khoán, cho thuê tài chính và bất động sản. Nhờ đó mà tổng số vốn của Huarong đã tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng 6 năm, lợi nhuận của công ty tăng gấp 4 lần trong cùng kỳ. Kể từ năm 2015, công ty này cũng đầu tư ra nước ngoài với tốc độ mạnh mẽ. 

Ngoài ra, công ty này cũng đã giúp nhiều công ty lớn nhất của Trung Quốc thực hiện được thành công một số thương vụ thu mua tài sản lớn ở nước ngoài. Nhờ thành tích này, trong một thời gian dài, Lai được nhiều người nể trọng. Ông ta được bầu làm Đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa XII.

Song những hoạt động kinh doanh mạo hiểm và mối quan hệ mờ ám giữa Huarong với các công ty tư nhân cũng đã gây tranh cãi, nhất là khi cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau. Hồi tháng 4 vừa qua, Lai Xiaomin, 56 tuổi, đã bị bắt giữ.

Trong thông báo mới nhất, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc cho biết Lai đã gây ảnh hưởng chính trị xấu khi không tuân thủ các hướng dẫn chính sách và quy định hoạt động tài chính của Chính phủ. Việc mở rộng kinh doanh một cách mù quáng và tình trạng quản lý vô kỷ luật của Lai đã khiến công ty Huarong đi chệch hướng so với hoạt động kinh doanh cốt lõi và trách nhiệm chính của công ty do Chính phủ đưa ra. 

Giới chức Trung Quốc cũng cáo buộc Lai có nhiều sai phạm, trong đó có việc hành động theo lối chủ nghĩa cơ hội chính trị, sử dụng tiền công để tổ chức nhiều bữa tiệc bất hợp pháp, gây thất thoát tài sản nhà nước; lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để làm lợi cho bản thân và người thân; nhận hối lộ.

Giới chức Trung Quốc cáo buộc Lai đã tích tụ bất hợp pháp khối tài sản và tiền bạc “khổng lồ”. Tạp chí chuyên về tài chính Caixin của Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho biết, các điều tra viên khi khám xét một số ngôi nhà của đối tượng này đã phát hiện đến 270 triệu nhân dân tệ (tương đương 39,6 triệu USD) tiền mặt được cất giấu tại đó. 

Theo thông tin được công bố tại một cuộc họp nội bộ của Huarong vừa qua, số tiền mặt nhân dân tệ và ngoại tệ thu tại nhà Lai được nặng đến gần 3 tấn và cần một chiếc thùng có thể tích hơn 3m3 mới có thể chứa hết. Số tiền này nhiều đến mức theo cách nói dân dã, có thể gọi “tiền đè chết người”.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tuy nhiên, số tiền mặt được tìm thấy này được cho mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Các tài liệu điều tra cho hay, trong các tài khoản tại ngân hàng của mẹ Lai, các điều tra viên cũng đã phát hiện số tiền lên 300 triệu nhân dân tệ (tương đương 43,4 triệu USD). 

Theo thông tin rò rỉ từ cuộc điều tra, vào các dịp lễ tết, mẹ của Lai chính là người đứng ra thay ông ta nhận tiền hối lộ từ các công ty, tổ chức hay cá nhân muốn làm ăn với Huarong hoặc muốn được Lai Xiaomin ưu ái. Từng vị trí ở Huarong, từ nhân viên bình thường cho tới quản lý hay giám đốc công ty con của công ty đều có thể mua được bằng tiền theo “bảng” giá do Lai đưa ra. 

Cũng trong thời gian giữ vai trò người đứng đầu lãnh đạo Huarong, Lai Xiaomin bị cáo buộc đã tuyển dụng, cất nhắc nhiều người thân, đồng hương với ông ta tại tỉnh Giang Tây vào Huarong, lập thành “phe phái Giang Tây” để tiện bề thực hiện và che giấu các sai phạm của mình. Lai cũng đã nhận người thân của một số quan chức ở các địa phương để đổi lấy tiền bạc hoặc các mối quan hệ kiểu “có đi có lại”.

Caixin cho biết, Lai sở hữu đến hơn 100 bất động sản, quen biết hơn 100 nhân vật cấp cao. Đó là còn chưa kể đến việc một số nguồn tin cho hay, trong nhiều năm liền, Lai đã chuyển hàng tỉ nhân dân tệ tiền bất hợp pháp tới một công ty tư nhân có trụ sở tại khu tự trị Ningxia Hui ở phía bắc Trung Quốc. 

Vụ việc của Lai được cho là vụ tham nhũng lớn nhất trong hệ thống tài chính Trung Quốc kể từ khi Nhà nước Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc trong thông báo về việc khai trừ Lai khỏi Đảng cho biết Lai đã nộp lại nhiều tài sản do tham nhũng mà có. 

Nghi án 100 nhân tình

Trong thông báo mới nhất, giới chức Trung Quốc cũng cáo buộc Lai Xiaomin có cả hành vi lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để đổi lấy tình dục từ một số phụ nữ. Theo tạp chí Caixin, Lai có tổng cộng đến hơn 100 nhân tình, trong đó có một số là những nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc, một số chính là nhân viên của ông ta tại Huarong.

Các nguồn tin cho hay, nhiều nhân tình của Lai Xiaomin đã được ông ta đưa vào công ty, bổ nhiệm vào các vị trí quản lý. Việc bổ nhiệm này, theo một số người, được thực hiện theo nguyên tắc người nào qua lại càng lâu với Lai thì càng được cất nhắc vào những vị trí cao hơn. Cũng có thông tin cho hay, một công ty con chuyên về mảng bất động sản của Huarong đã xây dựng 120 căn hộ tại thành phố Chu Hải để Lai lấy ra 100 căn hộ tặng cho những nhân tình và cả vợ cũ của ông ta!

Vẫn theo một số người, khi cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động được đẩy mạnh, “có tật giật mình”, Lai đã cuống cuồng tìm nhiều cách khác nhau để che giấu tài sản bất chính.

Ví dụ, một ngôi nhà của ông ta được sang tên đổi chủ đến 5 lần cho 5 người khác nhau hòng che giấu danh tính chủ nhân thật sự của nó. Tuy nhiên, “bàn tay không che được bầu trời”, những hành vi của ông ta cuối cùng vẫn đã bị phanh phui. Hiện, giới chức Trung Quốc chưa chính thức công bố những cáo buộc hình sự mà ông ta phải đối mặt.

Sau cú “ngã ngựa” của người đứng đầu, Huarong đã đẩy nhanh việc bán tài sản và cải tổ việc quản lý nội bộ nhằm vực dậy sau vụ bê bối. Công ty chứng khoán Huarong – một công ty con của Huarong – gần đây đã dừng trả lương cho nhiều nhân viên, cho thấy hoạt động kinh doanh ỳ trệ cũng như tác động nặng nề của cuộc điều tra đối với ông chủ cũ của công ty này.

Một số doanh nghiệp lớn từng có quan hệ làm ăn với công ty này hiện cũng đã bị đưa vào tầm ngắm của giới chức Trung Quốc. Hồi tháng 8 vừa qua, Yang Zhihui - Chủ tịch Tập đoàn chuyên về sòng bạc Landing International Development, có trụ sở tại Hong Kong – đã đột ngột biến mất, khiến cổ phiếu của tập đoàn “bốc hơi” gần một nửa.

Theo Caixin, việc này diễn ra sau khi giới chức Trung Quốc tiến hành điều tra về mối quan hệ giữa Yang và Lai Xiaomin. Một số nguồn tin cho rằng Yang đã trốn sang nước ngoài, đến nay tung tích của ông ta vẫn chưa được xác định.

Năm 2014, Wei Pengyuan – Cục phó cục than đá thuộc Cơ quan quản lý năng lượng Trung Quốc - bị phát hiện giữ đến 230 triệu nhân dân tệ tiền mặt trong nhà riêng. Khi tiến hành khám xét nhà của đối tượng này, các điều tra viên Trung Quốc đã phải huy động đến 16 máy đếm tiền để kiểm kê số tiền mặt. Bốn chiếc trong quá trình này đã “đột tử” vì phải làm việc quá tải. Wei sau đó bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng.

Đọc thêm