Ứng viên thẩm phán Tòa tối cao Mỹ bị cáo buộc tấn công tình dục: Chuyện bốn thập kỷ vẫn bị lôi ra “đúng thời điểm”

(PLO) - Phiên bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ về việc chuẩn thuận ông Brett Kavanaugh - ứng viên cho vị trí thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ do Tổng thống Donald Trump đề cử - đã phải hoãn lại do ông Kavanaugh bị tố cáo tấn công tình dục một bạn học.
Ông Kavanaugh
Ông Kavanaugh

Cáo buộc rúng động Washington

Tòa án tối cao của Mỹ có 9 thành viên, làm việc đến cuối đời. Trước khi ông Donald Trump trở thành tổng thống ở Mỹ, Tòa này có 4 người thuộc phe bảo thủ của Đảng Cộng hòa và 4 người thuộc phái cấp tiến theo Đảng Dân chủ, một người còn lại có quan điểm ôn hòa. 

Khi ông Barack Obama còn tại nhiệm, một thẩm phán thuộc phe bảo thủ đã đột tử nhưng vì đảng Cộng hòa lúc bấy giờ đã nắm quyền kiểm soát cả 2 viện của Mỹ nên ứng viên thuộc phe cấp tiến do ông Obama đề cử đã không được phê chuẩn. Sau khi lên nhậm chức, ông Trump đã đề cử một người thuộc phe Đảng Cộng hòa và đã được Thượng viện thông qua. 

Mới đây, một thẩm phán 81 tuổi thuộc phía Đảng Dân chủ đã từ nhiệm vì tuổi cao nên ông Trump vào đầu tháng 9 vừa qua đã đề cử một người thuộc phe mình thay thế nhằm đảm bảo đa số thẩm phán trong Tòa án tối cao của Mỹ đều thuộc phe bảo thủ. Người này chính là Thẩm phán Brett Michael Kavanaugh - thẩm phán Tòa án phúc thẩm Mỹ khu vực thủ đô. Ông này sinh năm 1965.

Theo dự kiến, phiên điều trần của Thượng viện Mỹ nhằm chuẩn thuận ông Kavanaugh diễn ra hôm 20/9 vừa qua. Tuy nhiên, chỉ ít ngày trước cuộc bỏ phiếu, bê bối đã bùng nổ khi Tiến sỹ tâm lý học Christine Blasey Ford – hiện đang là giáo sư đại học ở California - đứng ra tố cáo ông Kavanaugh tấn công tình dục bà vào năm 1982, khi 2 người đang học trung học. 

Theo bà Ford, vụ tấn công khi bà và ông Kavanaugh cùng nhóm bạn tham gia một buổi tiệc của những thiếu niên được tổ chức ở ngoại ô Maryland của Washington. Bà Ford tố cáo, vào giữa tiệc, ông Kavanaugh và một người bạn đã đẩy bà vào một phòng ngủ. Vẫn theo bà Ford, trong khi người bạn chỉ đứng nhìn thì ông Kavanaugh đã đẩy bà lên giường, nhảy lên người và tìm cách cởi quần áo của bà.

Khi bà tìm cách kêu gọi giúp đỡ, ông ta đã lấy tay bịt miệng bà còn người bạn cố tình bật to nhạc để không ai nghe thấy. Bà Ford nói rằng bà đã may mắn thoát được ra ngoài khi người bạn cũng nhảy lên giường, khiến cả 3 ngã xuống sàn. Bà Ford cho hay, tại thời điểm xảy ra vụ việc, bà mới 15 tuổi còn ông Kavanaugh lúc đó 17 tuổi.

Ngay sau khi cáo buộc được công bố, ông Kavanaugh một mực khẳng định những cáo buộc chống lại ông là “hoàn toàn bịa đặt”. “Đây là một cáo buộc hoàn toàn sai sự thật. Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì giống như những gì người tố cáo mô tả, bao gồm với bà ấy hay với bất cứ ai. Bởi vì điều này chưa bao giờ xảy ra nên tôi cũng chẳng biết bà ấy là ai”, ông Kavanaugh nói trong một tuyên bố được Nhà Trắng phát đi. 

Bà Ford ban đầu không xuất hiện công khai để tố cáo ông Kavanaugh, nhưng vì ông này một mực bác bỏ cáo buộc nên trong tuần qua, bà đã lên sóng truyền hình để nói về vụ việc. Trước diễn tiến này, ông Kavanaugh tiếp tục bác bỏ cáo buộc và khẳng định sẵn sàng hợp tác với Ủy ban tư pháp Mỹ nhằm lấy lại thanh danh. Luật sư của bà Ford trong tuần qua cũng khẳng định thân chủ của bà sẵn sàng ra làm chứng trước Thượng viện Mỹ để chứng minh những tố cáo của mình. 

Theo quy định của Mỹ, đề cử thẩm phán của Tòa án tối cao cần phải được Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ ủng hộ. Sau đó, ứng viên sẽ được chuẩn thuận nếu được toàn bộ Thượng viện thông qua.

Tố cáo của bà Ford đã khiến cho quá trình chuẩn thuận đề cử thẩm phán của ông Kavanaugh trở nên phức tạp hơn đáng kể dù theo các thăm dò trước đó ông Kavanaugh đã nhận được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết trong bối cảnh đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang nắm kiểm soát Thượng viện. 

Hình ảnh “nạn nhân” Christine Blasey Ford trên một kênh truyền hình
Hình ảnh “nạn nhân” Christine Blasey Ford trên một kênh truyền hình

Trước các diễn biến trên, 10 ủy viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp của Thượng viện - ủy ban chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuẩn thuận cho ông Kavanaugh - đã gửi công văn yêu cầu hoãn cuộc biểu quyết dự kiến diễn ra vào ngày 20/9 để FBI tiến hành điều tra tố cáo. Vụ bê bối cũng đã làm chấn động Washington trong bối cảnh ông Kavanaugh đang nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ. 

Bị đe dọa vì đứng ra tố cáo?

Những người thân cận của bà Ford cho hay, sau khi công khai xuất hiện trước truyền thông, bà đã bị quấy rối và thậm chí bị dọa giết. Email của bà bị tin tặc phá, tài khoản mạng xã hội của bà bị mạo danh và cả gia đình bà đã buộc phải chuyển chỗ ở. Do đó, các luật sư của bà Ford muốn thân chủ của họ được ra làm chứng với điều kiện bà được đảm bảo sẽ được hỏi một cách công bằng và được đảm bảo an toàn. 

Trong tuần qua, đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã tranh cãi về phạm vi và hình thức của phiên điều trần như vậy. Sở dĩ hình thức và các thành viên tham gia trong phiên điều trần gây tranh cãi bởi vụ việc của bà Ford khiến nhiều người nhớ lại vụ điều trần của bà Anita Hill – giáo sư luật từng đứng ra tố cáo ứng viên thẩm phán Clarence Thomas quấy rối tình dục bà vào năm 1991. 

Tại thời điểm đó, các phiên điều trần về vụ việc đã khiến phụ nữ trên khắp nước Mỹ nổi giận trước cảnh bà Hill – một người phụ nữ gốc Phi – bị Ủy ban tư pháp của Thượng viện bao gồm toàn đàn ông và là người da trắng hỏi xoáy hết câu này đến câu khác về trải nghiệm bà từng trải qua.

Trước lo ngại này, đảng Cộng hòa đang đề nghị thuê luật sư bên ngoài phụ trách việc thẩm vấn để tránh hình ảnh 11 nghị sỹ nam lấy lời chứng của bà Ford nhưng luật sư của bà Ford đang phản đối vì việc này có thể khiến phiên điều trần giống như một cuộc lấy lời khai của cơ quan công tố. Luật sư của bà Ford cũng muốn các nghị sỹ tham gia vào việc lấy lời chứng. Dự kiến, phiên điều trần này có thể diễn ra trong ngày hôm nay (24/9).

Các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đang muốn ông Kavanaugh được chuẩn thuận trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 tới bởi họ biết rằng nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện, việc phê chuẩn bất cứ ứng viên nào do ông Trump đề cử cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, mong muốn của đảng Cộng hòa đang trở nên khó khả thi bởi sự phản đối đối với ông Kavanaugh đang gia tăng. 

Một kết quả thăm dò ý kiến dân chúng Mỹ do Reuters/Ipsos tiến hành cho thấy ngày càng có thể nhiều người Mỹ tỏ ra chống đối lại việc chuẩn thuận cho ông Kavanaugh vì vụ bê bối. Theo kết quả thăm dò được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 17/9 vừa qua, có 36% người lớn ở Mỹ không muốn thấy ông Kavanaugh trở thành Tòa án tối cao, cao hơn 6 điểm so với lần thăm dò trong tháng 8.

Viện thăm dò Gallup cho hay, con số ủng hộ ông Kavanaugh nếu thực sự thấp như vậy thì ông nằm trong trong danh sách các ứng cử viên được Tổng Thống Mỹ đề nghị có tỉ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử của Tòa án tối cao Mỹ. 

Số cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa có quan điểm ủng hộ ông Kavanaugh có khá hơn, với 64% cho biết họ tán thành việc Quốc hội Mỹ chuẩn thuận ông này. Song, số phụ nữ Mỹ chống lại ông Kavanaugh đã tăng lên thành 33%, tăng thêm 7 điểm so với tháng 8. Vụ bê bối tình dục mới nhất nói trên cũng đã lại làm phong trào #MeToo bùng phát trở lại tại Mỹ và khiến đảng Cộng hòa có nguy cơ mất phiếu từ phụ nữ và cử tri độc lập khi mùa bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra.

Theo các nhà quan sát, nhận thức được rõ vấn đề này, nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa lần này đã có ngôn từ khá cân nhắc, vì một mặt họ vẫn muốn Tòa án tối cao có thêm một thành viên bảo thủ nhưng đồng thời cũng không muốn “chọc giận” nữ giới ở Mỹ. 

Cá nhân ông Trump dù nổi tiếng là người hay “đốp chát” những người chống đối hay chỉ trích mình lần này cũng tỏ ra khá mềm dẻo. Ông lên tiếng bảo vệ đề cử của mình, mô tả ông Kavanaugh là “một thẩm phán tuyệt vời”, với thành tích xuất sắc và bác bỏ khả năng ông Kavanaugh có thể xin rút lui vì cáo buộc trên nhưng cũng nói rằng ông thật sự muốn biết bà Christine Blasey Ford sẽ nói khi ra điều trần.

Đọc thêm