Đức Hoà (Long An): Vụ việc “chìm xuống” sau 3 năm bị hủy án?

(PLVN) - TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên huỷ Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án phúc thẩm từ đầu năm 2016 vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng đến nay, 3 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử và đang có dấu hiệu bị “chìm xuồng”.
Gia đình bà Yến sống trong hoàn cảnh khó khăn
Gia đình bà Yến sống trong hoàn cảnh khó khăn

Chưa giải quyết triệt để vụ án

Cụ thể, quyết định Giám đốc thẩm số 08/2016/HS-GĐT ngày 7/1/2016 của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong vụ án Trần Thị Út Hiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ năm 2014 tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

Theo hồ sơ, Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2014/HSSS ngày 16/1/2014 do thẩm phán - Chủ toạ phiên toà Nguyễn Khắc Linh Duy (TAND huyện Đức Hòa) đã tuyên phạt: Trần Thị Út Hiền 18 tháng tù, Dương Thị Ngưng 12 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Võ Văn Thanh 6 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”. 

Sau phiên tòa, Dương Thị Ngưng kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo; Võ Văn Thanh kháng cáo xin được hưởng án treo; Trần Thị Út Hiền kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án. Bà Trương Hồng Yến cũng có đơn kháng cáo đề nghị xem xét buộc Phòng Công chứng số 4 bồi thường 20 triệu đồng.

Bản án hình sự phúc thẩm số 82/2014/HSPT ngày 3/6/2014 của TAND tỉnh Long An không chấp nhận kháng cáo của Dương Thị Ngưng, Trương Hồng Yến; chấp nhận một phần kháng cáo của Trần Thị Út Hiền và Võ Văn Thanh, tuyên phạt: Trần Thị Út Hiền 15 tháng tù, Dương Thị Ngưng 12 năm tù và Võ Văn Thanh 4 tháng tù.

Không chấp nhận phán quyết trên, bà Trương Hồng Yến đã có đơn gửi Chánh án TAND Tối cao về việc đề nghị xem lại toàn bộ nội dung vụ án. Ngày 20/7/2015, Chánh án TAND Tối cao có quyết định về việc kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An. 

Sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm và tuyên huỷ Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đức Hoà và Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Long An để điều tra, xét xử lại. 

Bản án bị bỏ ngỏ, gia đình bà Trương Hồng Yến luôn sống trong cảnh chật vật, khó khăn.
Bản án bị bỏ ngỏ, gia đình bà Trương Hồng Yến luôn sống trong cảnh chật vật, khó khăn.

Theo Hội đồng Giám đốc thẩm, Trần Thị Út Hiền đã khai nhận thực hiện hành vi gian dối là sử dụng bản photo GCNQSD đất của bà Trương Hồng Yến rồi thuê Dương Thị Ngưng là người đóng giả bà Yến để thực hiện thủ tục thế chấp và vay 100 triệu đồng của bà Nguyễn Ngọc Tú Anh.

Theo Hiền, việc thực hiện các hành vi trên là theo sự chỉ đạo của ông Phạm Văn Đủ đồng thời tại 2 phiên tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng khẳng định ông Đủ có dấu hiệu đồng phạm với Hiền trong việc chiếm đoạt tiền của bà Tú Anh. Tuy nhiên, toà án các cấp lại quyết định tách ra để xử lý bằng một vụ án khác là giải quyết chưa triệt để.

Cũng theo Uỷ ban Thẩm phám, trong vụ án này, để xác định đúng vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của Trần Thị Út Hiền cũng như xem xét trách nhiệm của ông Đủ thì cần phải điều tra trong cùng một vụ án để làm rõ mối quan hệ trong việc mua bán đất giữa Hiền, Đủ, Chiến và làm rõ việc Đủ giao GCNQSD đất đứng tên bà Trương Hồng Yến cho Hiền là xuất phát từ việc ông Đủ mua đất hay là để thế chấp và vay tiền của Hiền.

Quyết định Giám đốc thẩm số 08/2016/HS-GĐT đặt dấu hỏi: “Việc Hiền nhờ Ngưng đóng giả bà Yến để làm hợp đồng vay tiền của bà Tú Anh có sự tham gia bàn bạc của ông Đủ hay không?

Làm rõ bản chất nội dung của giấy thỏa thuận ngày 2/7/2010 của ông Đủ và Hiền; nếu không có việc giúp sức của ông Đủ thì Hiền có thực hiện được hành vi gian dối chuyển nhượng đất của bà Yến sang cho bà Tú Anh hay không?

Việc ông Đủ giúp Hiền làm giả giấy chứng nhận độc thân của bà Yến là để cùng Hiền thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người bị hại hay có mục đích gì khác?”.

Đặc biệt, Quyết định giám đốc thẩm còn nhận định: “Trong khi chưa điều tra làm rõ các vấn đề nêu trên mà cả tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa đánh giá đúng mức độ, hành vi của Hiền trong vụ án, chưa thể hiện tinh thần tranh đấu đối với tình hình tội phạm và cũng chưa giải quyết triệt để vụ án.”

Tuy nhiên, điều đáng nói, đã trải qua 3 năm cho đến nay, vụ án trên vẫn đang trong giai đoạn “thụ lý điều tra”.

Diễn bài “ngâm” án?

Khi liên hệ với Chánh án TAND huyện Đức Hoà Trần Thị Kim Thảnh hỏi về vụ án và kế hoạch xét xử thì nhận được câu trả lời là liên hệ VKSND huyện Đức hoà và Cảnh sát điều tra để được cung cấp thông tin. Bản thân bà Thảnh cũng không nắm rõ thời gian sẽ đưa vụ án ra xét xử lại.

Sau nhiều lần liên hệ, ông Lê Văn Vinh (Phó Viện trưởng VKSND huyện Đức Hòa) mới làm việc với phóng viên. Khi được hỏi: “Vì sao vụ án sau hơn 3 năm vẫn chưa xét xử? Kế hoạch khi nào đem ra xét xử lại?” thì ông Vinh lại cho biết: vụ án đang trong quá trình điều tra và khi nào xử án là do phía toà. 

Bản án của TAND huyện Đức Hoà năm 2014 bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên huỷ năm 2016
Bản án của TAND huyện Đức Hoà năm 2014 bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên huỷ năm 2016

Khi được hỏi thời hiệu xét xử vụ án và yêu cầu cung cấp thông tin, văn bản liên quan thì ông Vinh trả lời chung chung và khẳng định “đây là hồ sơ mật, không thể tự ý cung cấp khi chưa có ý kiến và yêu cầu PV liên hệ Toà và cơ quan điều tra để cung cấp.”

Luật sư Đỗ Biên Thùy (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Theo quy định, cơ quan điều tra có thời hạn 4 tháng để điều tra và xử lý 1 vụ án, trong trường hợp án khó, cơ quan điều tra được gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 2 tháng. 

Như vậy, phải chăng trong các phiên họp liên ngành đã “bỏ ngỏ” vụ án trên. Việc chậm trễ xử lý vụ án khiến các đương sự mà trực tiếp là bà Trương Hồng Yến bức xúc, mất niềm tin vào cơ quan tố tụng.

Thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đức Hoà cần sớm đưa ra vụ án ra xét xử lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự, cũng như xem xét trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án để xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm như đã nêu.

Theo tìm hiểu, Thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy - Chủ toạ phiên toà sơ thẩm từng bị kiểm điểm trách nhiệm khi còn là thư ký TAND huyện Đức Hòa phụ trách theo dõi sổ sách vì “quên” thi hành án. Cụ thể, năm 2009, TAND Đức Hòa đã tuyên phạt Trần Văn Hậu (24 tuổi, ngụ Đức Hòa Đông, Đức Hòa) 6 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. 

6 năm sau, đến tháng 4/2015, Hậu lại bị Công an huyện Thạnh Hóa khởi tố, bắt giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Lúc này, ngành chức năng lục lại hồ sơ thì mới “tá hỏa” khi biết Hậu chưa hề thi hành án 6 tháng tù đã bị tòa tuyên trước đó.

Đọc thêm