Giết bạn rồi bình thản lên facebook “khoe”- chuyên gia tâm lý nói gì?

(PLVN) - Sau khi gây án, nghi phạm thản nhiên đưa thông tin vụ việc lên facebook, thậm chí còn hẹn “10 năm là về”... Theo PGS Đỗ Cảnh Thìn, đây là đặc điểm tâm lý của lứa tuổi chưa hoàn thiện về tâm lý và tính cách nhưng đã sớm bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc.
Chuyên gia tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn
Chuyên gia tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn

Hành vi côn đồ khiến dư luận phẫn nộ

Theo tin từ Công an TP Tân An (tỉnh Long An), khoảng 21h30 ngày 7/1, đối tượng Nguyễn Thành Phát (15 tuổi) ngụ Phường 2, TP Tân An hẹn Trần Văn Tiến (18 tuổi) sống tại thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An) ra khu vực Khu dân cư Phường 6, TP Tân An để giải quyết mâu thuẫn. 

Được biết, ban đầu giữa hai người chỉ là xích mích nhỏ. Xuất phát từ việc Tiến cho rằng Phát nhỏ tuổi hơn mà không tôn trọng “đàn anh chị” nên hẹn nhau ra giải quyết. Quá trình cãi vã, dù nhỏ tuổi hơn nhưng Phát bất ngờ rút dao đâm nhiều nhát khiến Tiến tử vong tại chỗ. 

Sau khi gây án, Phát chạy xe về nhà tắm rửa rồi liên tục lên mạng xã hội Facebook để “khoe” chiến tích với bạn bè, thậm chí gắn thẻ chính nạn nhân vào bài viết của mình. Phát đã đăng tới 8 bài viết trên trang Facebook cá nhân để nói về vụ việc. Nội dung đầy tính ngạo mạn và nhắn những người bạn cập nhật thông tin về vụ án.

Trong những dòng trạng thái đó, Phát còn đầy ý thách thức khi viết “10 năm cũng không lâu chủ yếu anh em đợi được không”. Ngay khi điều này đăng tải có nhiều người truy cập vào trang cá nhân của Phát thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ với hành vi của đối tượng. Nhưng không một chút hối hận, Phát còn trả lời đầy khiêu khích, thể hiện sự tàn nhẫn, không có tính người.

Hiện trường nơi xảy ra án mạng
Hiện trường nơi xảy ra án mạng

Sau khi chia sẻ trên mạng xã hội, Phát nói cho gia đình biết. Hai giờ sau, người thân đã đưa Phát đến công an phường 6, TP. Tân An đầu thú.

Không thấy sợ hãi mà coi như chiến tích

Hành vi của nghi phạm Nguyễn Thành Phát khiến dư luận hết sức hoang mang bởi đối tượng gây án với thủ đoạn vô cùng tàn ác nhưng tuổi đời còn quá trẻ. Không những thế sau khi giết người đối tượng còn lạnh lùng, thản nhiên khoe trên trang cá nhân như một niềm tự hào. 

Lý giải về điều này, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết, lứa tuổi 13 - 18 tuổi là độ tuổi có sự biến động rất lớn về tâm sinh lý.

Đây là lứa tuổi mà đời thường gọi là nổi loạn, là giai đoạn  đang chuyển từ trẻ con sang người lớn. Yếu tố tâm lý, nhận thức của những đứa trẻ trong độ tuổi này đang có những biến động rất mạnh. 

“Những đứa trẻ ở lứa tuổi này có xu hướng thoát ly khỏi gia đình, muốn khẳng định bản thân, thích phiêu lưu, thích làm người lớn, thích độc lập. Chúng thường dễ dàng bị tác động bởi yếu tố xã hội từ bạn bè, truyền thông, dư luận xã hội, yếu tố đám đông.

Ở lứa tuổi này những đứa trẻ dễ dàng rơi vào trạng thái cô đơn, kích động, trầm cảm hoặc có thể sẵn sàng tự tử, sẵn sàng gây án và có thể làm những điều người khác không thể hiểu được. Đây là đặc điểm tâm lý của lứa tuổi chưa hoàn thiện về tâm lý và tính cách”, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nhận định. 

Chính vì đặc điểm tâm lý đó mà những đứa trẻ không được quản lý, không được giáo dục tốt sẽ rất dễ bị ảo tưởng. Đặc biệt, hiện nay ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội tác động rất lớn tới nhận thức và hành vi của những đứa trẻ thuộc lứa tuổi này nếu không có sự quản lý, định hướng, giáo dục, rèn luyện những kỹ năng thì những đứa trẻ trong độ tuổi này rất dễ mắc phải sai lầm.

Trong trường hợp của nghi phạm Nguyễn Thành Phát, xuất phát từ một mâu thuẫn rất nhỏ nhưng vì không có kỹ năng xử lý và hóa giải nên đối tượng đã lựa chọn hành động bạo lực. Hành động bạo lực được lựa chọn để giải tỏa sự bức xúc, sự xung đột trong chính bản thân con người của Phát.

Nhưng đồng thời nó cũng là một hình thức thể hiện bản thân, cái tôi bản thân mà thiếu đi sự suy xét. Phát hành động theo sự thúc đẩy của nhu cầu bản thân và nhu cầu bản năng nhiều hơn là sự can thiệp của lý trí. 

Cũng theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, khi hành động, Phát đã không nghĩ tới những hậu quả đằng sau việc mình làm. “Đối tượng không nghĩ được về hậu quả cho bản thân, cho gia đình, cho tương lai mà nó chỉ nghĩ là nó thể hiện được cái mà nó mong  muốn.

Những dòng trạng thái nghi phạm Nguyễn Thành Phát đăng lên trang cá nhân khoe khoang sau khi giết người
Những dòng trạng thái nghi phạm Nguyễn Thành Phát đăng lên trang cá nhân khoe khoang sau khi giết người

Vậy nên là khi một đứa trẻ gây mâu thuẫn và gây án như vậy thì không những không thấy ân hận, không thấy sợ hãi mà còn cảm thấy như là một thành tích. Đối tượng Phát khoe tích đó trên mạng xã hội. Đây là một phần thể hiện tiêu cực một cách nổi bật, gọi là tâm lý tiêu cực nổi bật của lứa tuổi”.  

Trước đây, khi không có mạng xã hội thì sự tác động về cái tôi đối với bản thân mỗi người sẽ ít hơn nhưng bây giờ mạng xã hội là nơi mà hầu hết mọi người đều lựa chọn để thể hiện cái tôi cá nhân. Vì vậy mới có những phong trào như đủ like thì đốt trường học, đập phá tài sản. Tất cả những hành vi đó là đặc trưng của tâm lý nổi loạn và bị tác động bởi môi trường không thuận lợi, tiêu cực. 

Ngoài ra, theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, một vấn đề đáng lo ngại khác đối với tội phạm tuổi vị thành niên là phương thức thủ đoạn gây án của người trẻ tuổi hiện nay có tính chất đặc biệt nghiêm trọng hơn trước đây.  “Ngày xưa chúng có thể chỉ đơn giản là một cục gạch ném nhau nhưng bây giờ thì có thể sử dụng hóa chất, vũ khí nguy hiểm, hung khí nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn lạnh lùng”. 

Theo vị chuyên gia về tâm lý tội phạm này thì, lứa tuổi vị thành niên là hết sức nhạy cảm, để không có những trường hợp đáng tiếc như của Nguyễn Thành Phát gây ra thì cần hạn chế tác động tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội, trong môi trường sống xung quanh.

Đặc biệt là tác động tiêu cực từ gia đình. Hãy tạo cho các thanh niên này một môi trường sống, hoạt động lành mạnh thì sẽ hạn chế những hành vi đáng tiếc như của Phát. 

Đọc thêm