Sẽ xác minh tài sản thi hành án của ông Đinh La Thăng

(PLO) -Liên quan đến việc thi hành phần dân sự trong bản án buộc ông Đinh La Thăng bồi thường 600 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp cho biết: “Bản án chưa áp dụng biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản. Do vậy, trong quá trình thi hành án, chúng tôi sẽ xác minh tài sản đối với trường hợp của ông  Thăng…”. 
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) phát biểu tại buổi họp báo
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) phát biểu tại buổi họp báo

PVN chưa gửi đơn yêu cầu bồi thường

Ngoài nội dung trên, tại buổi họp báo mới đây, ông Thủy cho biết thêm, Tòa án mới chuyển hồ sơ qua cơ quan THADS để thực hiện các bước theo quy trình thu hồi tài sản và cơ quan THADS của TP Hà Nội đang làm các thủ tục thụ lý theo quy định. Việc thu hồi tài sản trong bản án này phải chờ đơn yêu cầu của phía bị hại trong vụ án (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN). Thời điểm hiện tại, phía PVN chưa có đơn gửi cơ quan thi hành án về việc này.

Liên quan đến vụ án này, ngày 26/6 vừa qua, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch PVN) và 6 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). HĐXX đã tuyên y án với 6 bị cáo.

Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị 18 năm tù (tổng hợp với bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng bị 30 năm tù). Ngoài ra, tòa tuyên bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ, Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ, Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỷ, Nguyễn Xuân Sơn và hai bị cáo khác phải liên đới bồi thường 15 tỷ đồng.

Ủy thác thi hành án liên quan đến Sân vận động Chi Lăng

Liên quan đến thi hành án thu hồi tài sản của Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TM CP Xây dựng Việt Nam là Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng (Đà Nẵng) để thu hồi hơn 3.000 tỷ đồng theo phán quyết của Tòa, ông Thủy cho biết: “Vụ việc này do Cục THADS TP HCM thụ lý ban đầu.

Lẽ ra, theo Luật THADS thì việc này thuộc Cục THADS TP HCM nhưng chúng tôi nhận thấy tính chất tài sản này rất phức tạp, nếu để TP HCM thi hành thì rất khó. Sau khi nghiên cứu về Luật THADS sửa đổi và Nghị định số 62 thấy rằng có thể ủy thác cho Cục THADS TP Đà Nẵng được”.  

Theo ông Thủy, trong vụ án Phạm Công Danh phải thi hành án với số tiền rất lớn, trên 10.000 tỷ và tài sản rải rác nhiều nơi như: TP HCM, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… Trong đó, ở Đà Nẵng, ngoài lô đất đường Trường Chinh (quận Thanh Khê), Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh dự định xây dựng một dự án du lịch thương mại tại SVĐ Chi Lăng – được coi là khu đất “vàng” của TP Đà Nẵng. 

Nói về khó khăn trong việc THADS ở SVĐ Chi Lăng, ông Thủy nhận định, đây là dự án nằm trên giấy, việc chia lô thực tế chưa có gì. Xung quanh sân là các mặt phố (tương tự SVĐ Hàng Đẫy ở Hà Nội), người dân vẫn sinh sống, kinh doanh nhà hàng nên để xử lý việc này không đơn giản. Nếu chia ra từng khúc bán sẽ phá nát quy hoạch. 

“Chúng tôi đã chỉ đạo Cục THADS TP Đà Nẵng báo cáo Thường trực Thành ủy, báo cáo UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án để có hướng xử lý… Bởi dự án này, tùy các cấp thẩm quyền phê duyệt, phải xử lý theo cơ chế đặc thù thì mới xử lý được. Hiện nay giấy tờ, tài sản ở đây cũng chưa đâu vào đâu cả. Có những cái đền bù, những cái chưa đền bù; có hộ đã đền bù, có hộ chưa và chưa có giải tỏa, vẫn nguyên vẹn. Do đó, việc này xử lý không đơn giản nên tôi có ý kiến là ngoài chủ trương xử lý của chính quyền địa phương thì có thể xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng"

"Vừa rồi có thông tin báo chí cho biết Chủ tịch Đà Nẵng nói TP có thể mua lại SVĐ Chi Lăng. Nếu mua lại được may ra mới giải quyết được. Rút kinh nghiệm từ vụ thi hành án Epco - Minh Phụng trước đây tài sản rải rác ở nhiều nơi, chúng tôi thấy rằng nhiều vụ việc phải giải quyết ở tầm Chính phủ mới được” - ông Thủy cho hay.

Được biết, tại phiên họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 12/7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “TP Đà Nẵng sẽ kiến nghị Thủ tướng, Tòa án và các cơ quan liên quan để thương lượng lấy lại SVĐ Chi Lăng  phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa - thể thao thành phố. Năm 2015, chính quyền TP Đà Nẵng đã từng thương thảo với Ngân hàng Nhà nước để lấy lại quyền sử dụng đất SVĐ Chi Lăng nhưng chưa thành công”.  

Đọc thêm