“Cát tặc” có giấy phép: Tiền vào túi ai?

(PLO) - Những ngày đầu tháng 5/2017, khi giá cát đang sốt lên từng ngày cũng là lúc các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền, sông Hậu gia tăng việc vơ vét lòng sông dữ dội. Trong đó nổi lên nhiều vụ khai thác cát có giấy phép nhưng bị dân phản ứng.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Song song với ô nhiễm cá sông, cá biển chết vì nhiễm bẩn thì tình trạng “cát tặc” khai thác cát cho các công trình xây dựng, thậm chí xuất khẩu hàng chục triệu m3 đã gây ra những hậu quả nặng nề.

Điều oái oăm là bên cạnh số “cát tặc” lén lút không phép lại có loại phổ biến hơn, hoàn toàn công khai và vận hành ngày đêm với quy mô lớn, phương tiện, thiết bị công suất cao mức độ thiệt hại lớn hơn nhiều. Những vụ “cát tặc” này có giấy phép, nhân danh các dự án nạo vét luồng lạch, lòng sông, cửa biển để tàn phá tài nguyên và làm giàu vô độ. 

Người dân nhiều nơi đã bức xúc trực tiếp đấu tranh ngăn chặn từ Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… Thậm chí chính quyền tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu với chính phủ vì bị hăm dọa. Ngay trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp lần này, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề: Ai, nhóm lợi ích nào đã bảo kê cho “cát tặc”? Siêu lợi nhuận của “cát tặc” đang vào túi ai? 

Khai thác suốt ngày đêm

Đêm, hàng chục xáng cạp vẫn hoạt động làm huyên náo suốt một đoạn sông Hậu dài gần chục cây số (đoạn qua 3 địa phương Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang). Ngoài những xáng cạp lớn trên sông, ven mé bờ cồn Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn) cũng có một số ghe công suất vài chục tấn đang tìm chỗ thọc vòi xuống lòng sông hút cát. Chính quyền chỉ cấp phép khai thác cát vào ban ngày, vị trí nằm xa bờ sông, nhưng khi đêm tối thì các xáng cạp lại lén tấp sát bờ hút cát. 

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Vĩnh Long, trên luồng sông Hậu thuộc thủy phận Vĩnh Long (khu vực cồn Công và xã Lục Sĩ Thành), UBND tỉnh cấp 2 giấy phép khai thác cát sông cho 2 doanh nghiệp ((DN). Tại khu vực này không có DN nào được cấp phép khai thác ban đêm, nhưng thực tế cho thấy xáng cạp luôn rầm rộ lấy cát bất kểgiờ giấc.

Nhiều năm nay, đoạn sông Tiền qua địa phận xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang) đã trở thành điểm nóng của nạn khai thác cát lậu. Khu vực này cũng bị khai thác cát suốt đêm làm người dân mất ăn, mất ngủ vì lo lắng sạt lở. Theo người dân, ngày trước dòng sông chỉ rộng chừng 200m, nhưng nay tăng gấp 3-4 lần. Họ cho rằng sông “phình” ra là do nạn lấy cát diễn ra trong thời gian dài. 

Ngày 6/5, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng các sở, ban ngành đã kiểm tra các điểm khai thác cát sông tại đầu nguồn sông Tiền ở địa phận huyện Hồng Ngự. Đoàn kiểm tra ghi nhận có hàng chục xáng cạp đang khai thác cát. Ngoài ra còn có hàng trăm phương tiện mang biển số nhiều tỉnh thành cũng neo đậu dày đặc trên sông chờ mua cát, có những đoạn sông tập trung đến hơn 50 phương tiện.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh này, trên địa bàn huyện Hồng Ngự có 1 đơn vị là Công ty CP Xây lắp và VLXD tỉnh Đồng Tháp được cấp phép khai thác cát sông ở 9 khu vực. Tổng lượng xáng cạp là 24 chiếc với tổng công suất cho phép khoảng 3.750.000m3/năm. Giá cát ở địa phương chỉ vài chục ngàn đồng mét khối nhưng khi chuyển đến các khu xây dựng lên đến hàng trăm ngàn đồng nên đây là mặt hàng siêu lợi nhuận.

Ông Võ Minh Tâm, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, cho hay hiện nhiều phương tiện phải neo đậu hơn 1 tuần mới có thể lấy cát. “Nếu Đồng Tháp giảm sản lượng khai thác khoảng 30% thì giá cát tại TP.HCM có thể tăng lên 1 triệu đồng/m3, nếu dừng khai thác cát khoảng 1 tuần thì thị trường cát sẽ có biến động lớn”, ông Tâm nói.

Giấy phép sai phạm cũng có giá

Sáng 27/5, hàng chục hộ dân hai xã Phú Thành, huyện Trà Ôn và Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã huy động phương tiện, thức ăn đồ uống, tổ chức trực trên sông, sẵn sàng “đương đầu" với xáng cạp khai thác cát để giữ đất. 

Một ngày sau vụ “vây ráp” xáng cạp khai thác cát đầy kịch, sáng 28/5, người dân hai xã Phú Thành (huyện Trà Ôn) và Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh) tỉnh Vĩnh Long đã đối thoại với chủ DN khai thác cát. Đại diện chủ mỏ cát cho biết mỏ cát này được HTX khai thác cát Tân Bình Minh sang lại quyền khai thác cho công ty TNHH Vạn An Phát. 

Ông Bùi Văn Triều đại diện cho người dân ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn thông tin cho phía công ty Vạn An Phát biết mỏ cát này được HTX Tân Bình Minh sang tay cho rất nhiều DN. Với tờ giấy phép, các DN trước đã vi phạm rất nhiều lần và từng bị cơ quan chức năng lập biên bản đến 5 lần.

Ông Triều cho biết vùng sạt lở quanh khu vực khai thác cát ảnh hưởng đến hai xã nhưng khi khai thác cát công ty chỉ họp dân và lấy ý kiến duy nhất tại ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hòa.

Đại diện công ty Vạn An Phát xin lỗi người dân hai xã. Do dự án thuộc dạng nạo vét khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩn nên đã đầu tư hết 12 tỷ đồng nên không thể dừng khai thác, Công ty Vạn An Phát cho biết sẽ sắp xếp một cuộc họp “ba mặt một lời” gồm chính quyền, người dân và DN để đưa ra nhiều phương án khắc phục khi có sạt lở xảy ra. 

Theo người dân nơi đây, đất đai vườn tược đã bị mất quá nhiều do tình hình sạt lở gây ra, trong đó một phần do khai thác cát.

Trưa 22/5, hàng chục người dân Cồn Cũ (Chợ Mới, An Giang) vẫn tập trung tại nhà ông Đoàn Văn Đống (67 tuổi) để “bàn phương án chiến đấu" với DN đang khai thác cát trên nhánh sông Tiền chảy qua địa phận cù lao Giêng gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. 

Trước đây đoạn sông này phía đầu cồn rộng khoảng 400m, càng vào sâu bên cồn thì nhánh sông càng nhỏ hẹp lại. Khu vực Cồn Cũ này hằng năm đã sạt lở nặng, bình mỗi năm sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 20m và dài khoảng 40m. Nếu như chục năm trước, đầu cồn dài khoảng 300-400m thì nay đã ăn sâu vào ruộng vườn và nhà cửa của dân.

Người dân dự tính và hùn tiền mua cây tràm đóng cừ, dùng bao cát hoặc đá bỏ xuống đó để hạn chế xói lở. Đùng một cái chính quyền cho Công ty Dương Khang lấy cát, nói là khơi thông luồng lạch. Nếu cho công ty lấy cát càng sâu thì nước chảy qua khu vực cồn này sẽ chảy xiết hơn. Như vậy làm sao không sạt lở được. Người dân ở đây quyết tâm bảo vệ cồn. 

Trước đó, khoảng 10h ngày 20/5, khi thấy DN cho xáng cạp lấy cát ở khu vực đầu Cồn Cũ, hàng chục nông dân đã thuê đò chạy ra tận xáng cạp đang múc cát để phản đối và yêu cầu DN dừng khai thác.

Được biết, ông Lâm Quang Thi - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã ký Quyết định “Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch Cù Lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, thị trấn Mỹ Luông, Mỹ An và xã Hội An”.

Theo đó, DN thực hiện nạo vét và tận thu khoáng sản cát sông là Công ty TNHH MTV Dương Khang. Giá tính tiền khai thác khoáng sản là 15.000 đồng/m3. Trữ lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 480.000m3/năm. Tổng số tiền phải nộp là 307.800.000 đồng. 

Khu vực Cồn Cũ có cát dư nếu nạo vét nên ngày 5/5, UBND tỉnh đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch Cù lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, thị trấn Mỹ Luông, Mỹ An và xã Hội An.

DN thực hiện nạo vét và tận thu khoáng sản cát sông là công ty TNHH MTV Dương Khang.

“Do lượng cát dư hơn lượng nạo vét thông luồng nên tỉnh mới cấp phép khai thác khoáng sản và đánh thuế nộp vào ngân sách. Sở GTVT đã bố trí cấm phao rõ ràng để DN khai thác và sẽ giám sát thực hiện đúng theo các cột mốc phao đã cấm. UBND huyện Chợ Mới và các sở ngành sẽ xuống họp dân lần nữa để thông tin đầy đủ. Nếu dân lo sợ, sẽ để dân giám sát cùng chính quyền. Nếu bà con không đồng tình, sẽ dừng dự án này", ông Thi nói.

Kiến nghị chính phủ xử lý 

Tại  kỳ họp Quốc hội lần này, thảo luận ở tổ chiều 25/5, đề cập tới nạn khai thác cát lậu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhận xét, cuộc chiến chống khai thác cát bừa bãi và xuất khẩu ồ ạt đã diễn ra mười mấy năm qua, nhưng vấn nạn này chưa được ngăn chặn. 

"Báo chí thông tin Việt Nam xuất khẩu sang Singapore 67 triệu m3, chưa kể khai thác cát lậu phục vụ thị trường trong nước. Đến bây giờ sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai… nhưng chưa có giải pháp rõ ràng", ông Nghĩa nói. Ông đề nghị, Chính phủ kiểm điểm 10 năm qua ai ra chủ trương nêu trên, chủ trương đó đúng hay sai, hay chủ trương đúng mà cấp thực hiện làm sai. 

"Hàng trăm triệu tấn cát, trong đó có 67 triệu m3 cát sang Singapore, lợi nhuận vào túi của ai? Người dân ở các địa phương khai thác được bao nhiêu? Tư nhân được bao nhiêu? Tư nhân đó là ai? Cái giá khai thác cát ở khắp các con sông là gì?", ông Trương Trọng Nghĩa nêu hàng loạt câu hỏi.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền địa phương và Bộ GTVT - cơ quan quản lý nhà nước, khi đã cấp phép cho các DN khai thác, nạo vét dòng chảy lòng sông, song thực tế DN lợi dụng "hút cát khắp nơi, thu siêu lợi nhuận".

Ông Xuyền nhận xét, quá trình xử lý nạn khai thác cát lậu vừa qua thấy rõ sự lúng túng, tắc trách và có phần chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm của các cấp quản lý; tới khi Chính phủ vào cuộc thì hậu quả đã quá nặng nề.

Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày trước Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã nêu thực tế nạn cát tặc vẫn đang diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền, dư luận.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát trên phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại kỳ họp Quốc hội cuối năm.

Đọc thêm