Hà Nội: Cần thanh tra toàn diện biệt thự “khủng” của giám đốc Công ty Hưng Tín

(PLO) - Ngày 30/7/2018 Báo Pháp luật Việt Nam có bài  “Biệt thự “khủng” của giám đốc Công ty Hưng tín có dấu hiệu sai phạm lớn”, phản ánh về việc ông Nguyễn Đình Ban xây dựng biệt thự “đồ sộ” có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về hành lang bảo vệ đê Hữu Cầu tại xã Tân Hưng. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cung cấp thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất xây biệt thự khủng còn có dấu hiệu bị làm giả.
Biệt thự "đồ sộ" của ông Nguyễn Đình Ban, Giám đốc Công ty Hưng Tín có dấu hiệu nhiều sai phạm lớn
Biệt thự "đồ sộ" của ông Nguyễn Đình Ban, Giám đốc Công ty Hưng Tín có dấu hiệu nhiều sai phạm lớn

Trước đó, theo thông tin từ phía người dân tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn phản ánh về việc ông Nguyễn Đình Ban, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng khai thác khoáng sản Hưng Tín xây dựng biệt thự “khủng” rất sát với hành lang bảo vệ đê Hữu cầu. Phóng viên Báo Pháp luật Việt đã về địa phương xã Tân Hưng để tìm hiểu và xác minh thực tế tại vị trí K20+100 địa điểm mà gia đình ông Ban đã xây dựng biệt thự khoảng 5 tầng. Theo quan sát của phóng viên, ngôi biệt thự của ông Ban xây dựng có khoảng cách rất gần với đê Hữu cầu, có dấu hiệu vi phạm như bạn đọc đã phản ánh.

Tuy nhiên, trước đó trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, cho rằng, “UBND xã đã xử lý gia đình ông Ban về việc xây dựng nhà lán tạm và đổ phế liệu xây dựng vi phạm hành lang đê. Còn hiện nay ông Ban xây dựng biệt thự vi phạm hành lang đê thì trách nhiệm chính phải chịu thuộc về Hạt quản lý đê số 7 và các cán bộ chuyên môn của xã và huyện được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát”.

Còn đối với Hạt quản lý đê số 7, phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng và ông Lê Văn Hải, Hạt phó trả lời vòng vo trước một số vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý của công trình biệt thự nhà ông Ban. Ngoài ra, ông Bảo còn nhấn mạnh việc xây dựng nhà ông Ban xây dựng đã được cấp trên đồng ý cho phép, đồng thời được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSD đất.

Thế nhưng các câu hỏi đặt ra, cấp trên cho phép là ai và cho phép như thế nào thì chưa được ông Bảo và ông Hải giải thích rõ ràng. 

Để làm rõ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện các phòng chuyên môn của UBND huyện Sóc Sơn, gồm ông Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng phòng TN&MT và ông Đặng Văn Hồng, Cán bộ thanh tra xây dựng phụ trách xã Tân Hưng. Qua buổi làm việc, nhiều vấn đề liên quan đến việc tồn tại của biệt thự “khủng” của giám đốc Công ty Hưng Tín đã lộ diện.

Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Hồng giải thích tương tự như lãnh đạo của Hạt quản lý đê số 7. Ông Đặng Văn Hồng còn nhấn mạnh: “tôi thường xuyên xuống kiểm tra công trình nhà ông Ban không thấy có vi phạm gì”. Khi phóng viên đặt câu hỏi, dựa vào cắn cứ nào để khẳng định nhà ông Ban xây dựng không vi phạm thì ông Hồng khẳng định: “UBND xã có biên bản đo vẽ hiện trạng xây dựng của nhà ông Ban ngày 25/4/2017, cho thấy vị trí xây dựng cách chân đê 8m, mặt đê 17m như vậy là không vi phạm”. 

Thế nhưng, theo biên bản của UBND xã Tân Hưng đo vị trí xây dựng nhà ông Ban tới mặt đê chỉ là 13m, trong đó diện tích vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê 153m, hoàn toàn không giống như trả lời từ phía huyện Sóc Sơn.

Hơn nữa, theo quy định về phạm vi bảo vệ đê điều thì hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển.

Ngôi biệt thự khủng của ông Ban được xây dựng rất sát với hành lang bảo vệ đê Hữu Cầu tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn
Ngôi biệt thự khủng của ông Ban được xây dựng rất sát với hành lang bảo vệ đê Hữu Cầu tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn

Như vậy, việc ông Hồng trả lời gia đình ông Ban xây dựng không vi phạm gì phải chăng chính là bao biện cho hiện trạng vi phạm từ phía người xây nhà cho đến cơ quan quản lý?

Chưa dừng lại ở đó, khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao công trình này lại được phép xây dựng ở vị trí nhạy cảm với hành lang đê như vậy, ông Hồng đưa ra bản sao “sổ đỏ” của ông Ban. Tuy nhiên, “sổ đỏ” của ông Ban lại không giống những mẫu sổ đỏ được cấp hợp pháp khác, có dấu hiệu của việc làm giả. Cũng tại buổi làm việc, ông Toàn, cũng nhận định, đây không phải là mẫu sổ đỏ được cấp theo quy định.

Sau đó, ông Hồng cung cấp cho phóng viên giấy chứng nhận QSD đất của ông Ban. Tuy nhiên, sổ đỏ mới này cũng có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, "sổ đỏ" mà ông Hồng cung cấp có kí hiệu số V754179 và không có thông tin nào ghi là sổ đỏ của ông Ban. Trong khi đó, ngày 25/10/2017 Chi cục Đê điều và PCLB có văn bản phúc đáp về việc cải tạo nhà của ông Nguyễn Đình Ban có ghi nội dung, theo Giấy chứng nhận QSD đất của ông Ban mang kí hiệu 000876/QSDĐ.

Việc Hạt quản lý đê số 7 và cán bộ xây dựng huyện Sóc Sơn cun cấp cung cấp thông tin 2 số kí hiệu "sổ đỏ" khác nhau đã cho thấy vấn đề cần phải được làm rõ, đó là sổ đỏ nào là thật, sổ đỏ nào là giả và tại sao lại có sự tồn tại kiểu "thật giả lẫn lộn" như nêu trên. Việc xây dựng biệt thự nhà ông Ban có rất nhiều vấn đề cần được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ.

Đọc thêm