Không giao đất cho doanh nghiệp trúng đấu giá, TP Đà Nẵng đã làm ngược cả luật và lệ?

(PLO) - Trong vụ bán đấu giá lô đất số 23 Lê Duẩn, doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh cũng chậm nộp tiền mua tài sản nhưng sau đó vẫn được TP giao đất. Tại Đà Nẵng, lấy lý do đơn vị trúng đấu giá chậm nộp tiền, UBND TP dự kiến hủy kết quả đấu giá và không giao đất cho Công ty cổ phần Vipico, tại sao?
Lô đất trúng đấu giá
Lô đất trúng đấu giá

Kết luận kiểm toán là bình phong?

Công ty cổ phần Vipico và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 47/CV-PCDN gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị sớm giải thích rõ Công văn số 425/KTNN-TH ngày 4/9/2018 của Kiểm toán Nhà nước, văn bản mà Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng đang sử dụng làm căn cứ để hủy quyết định bán đấu giá lô đất cho Công ty Vipico. 

Theo ý kiến trên báo chí của ông Trần Văn Miên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, ngày 13/9/2018 Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng nhận được Báo cáo kiểm toán về tài chính, đất đai trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó có kết luận về lô đất bán đấu giá cho Vipico là “theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật đấu giá tài sản năm 2016, thời hạn thanh toán của người trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá thành công đã được quy định tại phương án đấu giá và hợp đồng. Do đó, người trúng đấu giá không nộp tiền theo thỏa thuận thì thuộc trường hợp hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp ngân sách thành phố”.

Lý do, đơn vị trúng đấu giá này chậm nộp tiền trúng đấu giá được nêu trong báo cáo kiểm toán trở thành cái cớ để UBND TP Đà Nẵng không giao tài sản cho đơn vị trúng đấu giá.

Được biết Công văn số 425/KTNN-TH ngày 4/9/2018 của Kiểm toán Nhà nước thông báo kết luận kiểm toán thì trường hợp của Vipico cần phải được xem xét kỹ vì Báo cáo kiểm toán nêu ý kiến trường hợp Vipico lại căn cứ vào Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND TP Đà Nẵng. Cụ thể, Kiểm toán dẫn chiếu nội dung Cục Thuế Đà Nẵng có thông báo cho doanh nghiệp như sau: “Quá thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế mà người nộp tiền sử dụng đất không nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước thì hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp ngân sách thành phố theo quy định tại Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng”.

Tuy nhiên, Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND nêu trên là văn bản được chính Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng công bố đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2017, trước thời hạn Vipico được UBND TP Đà Nẵng ra quyết định công nhận trúng đấu giá lô đất nêu trên. 

Vì vậy, việc UBND TP Đà Nẵng căn cứ vào báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thực chất chính là căn cứ vào một văn bản hết hiệu lực của chính UBND TP Đà Nẵng để đòi hủy kết quả bán đấu giá tài sản cho doanh nghiệp. Phải chăng báo cáo của Kiểm toán nhà nước trở thành bình phong hay là một cái cớ để thực hiện mong muốn hủy bỏ kết quả bán đấu giá đất đã được "an bài".

Trong khi đó, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc này lại không được UBND TP Đà Nẵng đếm xỉa. Vậy là ý kiến của các Bộ, ngành không có giá trị bằng một văn bản của địa phương đã hết hiệu lực?

Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng luật một đằng, Đà Nẵng áp dụng một nẻo

Về việc Vipico chậm nộp tiền trúng đấu giá đợt 2 (50%) với thời hạn 52 ngày là cũng căn cứ vào chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ UBND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành Công văn số 10270/UBND-KT ngày 19/12/2017 trả lời Công ty Vipico. 

TP Đà Nẵng
TP Đà Nẵng

Theo đó, trong trường hợp Vipico đề nghị chậm nộp đợt 2 tiền trúng đấu giá, UBND TP Đà Nẵng sẽ có báo cáo các Bộ, ngành cho ý kiến về việc gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng sử dụng đất và thuế đất đợt 2. Sau đó Bộ Tài chính đã có Công văn 1712/BTC-TCT ngày 9/2/2018 nêu rõ, trường hợp của Vipico có thể áp dụng chế tài nộp tiền chậm nộp theo định mức quy định của pháp luật về quản lý thuế. 

Về việc này, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản số 532 ngày 4/10/2018 gửi UBND TP Đà Nẵng, trong đó nhấn mạnh việc UBND TP Đà Nẵng chậm giải quyết các thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố và gây hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng như một số bài báo đã nêu trong thời gian qua.

Như vậy, tất cả tiền trúng đấu giá (2 đợt) và tiền nộp phạt tổng cộng lên đến gần 700 tỷ đồng đã được Vipico nộp vào ngân sách nhà nước từ đầu năm 2018 và đều căn cứ vào thông báo của cơ quan thuế, Bộ Tài chính về nộp tiền trúng đấu giá và tiền phạt chậm nộp. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng không thể nói rằng “doanh nghiệp tự nộp chứ chính quyền không thu” như ý kiến ông Trần Văn Miên – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời báo chí.

Việc Vipico nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách thành phố từ đầu năm 2018 là trên cơ sở thông báo của các cơ quan chính quyền thành phố và hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu rõ “trường hợp của Vipico có thể áp dụng chế tài nộp tiền chậm nộp theo định mức quy định của pháp luật về quản lý thuế”. Vì vậy, Vipico đã thực hiện theo đúng hướng dẫn, thông báo của các cơ quan nhưng đến nay việc chậm bàn giao đất được trúng đấu giá gần 1 năm, chính quyền lại đang đẩy trách nhiệm sang cho doanh nghiệp rõ ràng là không thiện chí.  

Tại TP Hồ Chí Minh cũng, đã có tiền lệ về việc doanh nghiệp chậm nộp tiền nhưng không bị hủy kết quả đấu giá mà vẫn được giao đất. Đó là trường hợp khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 do Công ty Tân Hoàng Minh trúng đấu giá với số tiền 1.430 tỷ đồng vào tháng 6/2015. Vụ việc này, theo hợp đồng, trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày bán đấu giá thành, công ty có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền mua tài sản. Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà công ty không nộp đủ tiền mua tài sản thì xem như công ty đã vi phạm hợp đồng. Khi đó, Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng mua bán tài sản và công ty sẽ mất khoản tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2015, Công ty Tân Hoàng Minh gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá do cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá có sai phạm trong bước giá nên ngoài 83 tỷ đồng đặt cọc, công ty không nộp số tiền còn lại. Đến tháng 12/2015, TP.Hồ Chí Minh có văn bản thông báo nếu Tân Hoàng Minh không nộp tiếp tiền còn lại thì phải chịu tiền phạt chậm nộp hoặc hủy kết quả, mất tiền đặt cọc. Thành phố yêu cầu Tân Hoàng Minh hoàn tất nghĩa vụ tài chính (lẫn tiền phạt). Ngay sau khi thành phố có văn bản, Tân Hoàng Minh đã nộp hết số tiền trúng đấu giá còn lại, sau đó nộp tiếp tiền phạt chậm nộp hơn 263 tỷ đồng.

Vụ việc tương tự đã được TP. Hồ Chí Minh giải quyết và được dư luận, doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao. Nhưng trái ngược với TP Hồ Chí Minh, việc Công ty Vipico không được giao tài sản vì cái cớ chậm nộp tiền đợt 2 đã cho thấy thái độ của chính quyền TP Đà Nẵng đã làm ngược với những gì thuộc về chính sách đang được các Bộ, ngành và địa phương khác thực hiện./.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.

Đọc thêm