Truy đuổi gây tai nạn chết người ở Bình Định: Khởi tố các bị cáo chưa đúng tội danh?

(PLO) - Cầm hung khí, lái xe máy tốc độ cao truy đuổi người khác dẫn đến tai nạn giao thông chết người nhưng chỉ bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bởi vậy gia đình nạn nhân cho rằng các cơ quan tố tụng khởi tố nhóm bị can chưa đúng tội danh.
Chiếc xe máy Khương chở Phương biến dạng sau khi bị truy đuổi dẫn đến tai nạn giao thông
Chiếc xe máy Khương chở Phương biến dạng sau khi bị truy đuổi dẫn đến tai nạn giao thông

Bị truy đuổi dẫn đến tai nạn 

Dự kiến, ngày 21/11, TAND tỉnh Bình Định sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với các bị can Huỳnh Hiệp Xuyên (tên gọi khác Xuyên bụi, SN 1983, ngụ xã Mỹ Châu), Thái Hoàng Nhật (SN 1994), Nguyễn Hồng Quân (SN 1992), Hoàng Ngọc Tú (SN 1999), Nguyễn Văn Lâm (SN 1994) cùng ngụ huyện Phù Mỹ và Đào Duy Đô (SN 1991, ngụ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Theo cáo trạng, tối 16/6/2017, Nguyễn Bình Nhất Phương (SN 1988, ngụ huyện Phù Mỹ) nhậu cùng Tú và Lâm ở thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ). Phương rủ hai bạn nhậu sang nhà đánh Huỳnh Hiệp Xuyên; Tú và Lâm đồng ý. Sau đó Phương, Tú, Lâm cầm theo 3 cây phảng (giống cây rựa, cán dài) đi xe máy đến nhà Xuyên nằm trên quốc lộ 1A, thuộc thôn Vạn An (xã Mỹ Châu) cách nơi nhóm Phương nhậu chừng 10km.

Đến nơi, Phương và Tú đập cửa nhà Xuyên. Lúc này, Thái Hoàng Nhật đang ngủ ở phòng khách nhà Xuyên dậy bật điện và hỏi “ai vậy?”. Phương và Tú trả lời: “Đ. cần biết tao là ai, kêu thằng Xuyên ra đây tao chém”.

Nhật gọi Xuyên dậy và hô “ăn cướp”. Nghe tri hô, nhóm Phương lên xe bỏ chạy về thị trấn Bình Dương tiếp tục nhậu. Phương gọi thêm Đào Duy Đô tới nhậu, đến khoảng 2h30 ngày 17/6/2017, cả bốn tiếp tục chạy xe máy ra thị trấn Bình Dương xem có gặp nhóm Xuyên hay không.

Trong lúc đó, từ nhà Xuyên, Quân lấy xe máy chở Nhật vào thị trấn Bình Dương thì bị nhóm Phương đuổi. Nhật và Quân quay xe bỏ chạy về nhà Xuyên, đóng cửa lại. Thấy nhóm Phương đứng trước nhà, nhóm Xuyên thủ sẵn đá và hô “tụi bay ngon thì vào đây”. Nhóm Phương nghĩ rằng trong nhà Xuyên có nhiều người nên chạy thẳng ra hướng Bắc (ngược hướng về thị trấn Bình Dương).

Vẫn theo cáo trạng, ngay sau đó Nhật chở Xuyên và Quân cầm theo 2 cây phảng chạy ra hướng Bắc (hướng nhóm Phương di chuyển) để xem nhóm nào đến nhà mình. Trên đường đi, nhóm Xuyên gặp Tú và Đô chạy ngược chiều nên quay xe đuổi theo nhưng không kịp. Nhóm Xuyên quay xe, tiếp tục đi về phía Bắc. Khi đến gần Hồ cá, nhóm Xuyên thấy 2 xe máy chạy ngược chiều. Hai xe này thấy nhóm Xuyên liền quay đầu xe bỏ chạy. Xuyên chỉ đạo Nhật đuổi theo “xem nhóm kia là ai”.

Nhóm Phương nghe tiếng pô xe, biết là xe của Xuyên nên bỏ chạy. Lúc này, Khương chở Phương chạy trước, Thi chở Lâm chạy sau. Chạy khoảng 1km, nhóm Xuyên vượt qua xe Thi cầm lái. Ngay khi bị vượt qua, Thi và Lâm bị tai nạn. Nhóm Xuyên tiếp tục đuổi theo xe Khương chở Phương, khi đến hết đèo Phú Cũ thuộc huyện Hoài Nhơn, nghe tiếng pô xe của Nhật đến gần làm Khương hoảng sợ, quay đầu lại nhìn, mất lái tông vào hộ lan bên phải gây tai nạn. Thấy nhóm Phương đều bị tai nạn, nhóm Xuyên chạy tiếp ra hướng Bắc rồi quay đầu xe về nhà. Hậu quả, Phương tử vong, Khương bị thương nặng, Thi và Lâm bị thương nhẹ.

Hiện trường vụ tai nạn gây ra cái chết của Phương vì bị nhóm Xuyên chạy xe máy truy đuổi tốc độ cao
Hiện trường vụ tai nạn gây ra cái chết của Phương vì bị nhóm Xuyên chạy xe máy truy đuổi tốc độ cao

Chỉ bị khởi tố tội “Gây rối trật tự công cộng”

Cơ quan Công an tỉnh Bình Định cho rằng các bị can truy đuổi, nẹt pô, cầm phảng, la ó gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư nên khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tại CQĐT, nhóm Xuyên cho rằng cầm phảng, truy đuổi đoạn đường dài để gặp nhóm Phương để… hỏi chuyện chứ không có ý định đánh nhau?!

Gia đình nạn nhân Phương cho rằng cáo trạng quy kết Phương tìm đến nhà Xuyên 2 lần để gây sự là hoàn toàn không đúng. Thứ 2, Xuyên và Phương có mâu thuẫn từ rất lâu. Nhà Xuyên đối diện với nhà vợ của Phương nên không thể nói Xuyên không biết ai là người đến nhà.

Mặt khác, nếu nhóm Xuyên không truy đuổi tốc độ cao, không cầm phảng, chà xát xuống đường tóe lửa và giơ lên đe dọa như lời khai, nhóm Phương có bị tai nạn dẫn đến chết người hay không? - gia đình nạn nhân Phương đặt câu hỏi. Ngoài ra, người nhà Phương còn cho rằng cáo trạng và kết luận điều tra còn nhiều vấn đề bất nhất, suy diễn. Kết luận điều tra nêu, Xuyên nói Nhật chạy xe máy tốc độ cao (khoảng 80km/h) rượt đuổi làm Thi, Khương sợ bị đánh dẫn đến tai nạn giao thông. Nhưng nhóm Xuyên không nhận thức được việc rượt đổi là nguy hiểm, không lường trước được hậu quả nên không thể xem xét tội “Giết người”.

Quyết định khởi tố các bị can tội “Gây rối trật tự công cộng” vì cho rằng không nhận thức được việc truy đuổi gây nguy hiểm, không lường trước hậu quả
Quyết định khởi tố các bị can tội “Gây rối trật tự công cộng” vì cho rằng không nhận thức được việc truy đuổi gây nguy hiểm, không lường trước hậu quả

Luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) phân tích: “CQĐT không cần chứng minh người thực hiện hành vi nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể xảy ra hậu quả. Pháp luật hình sự cho thấy, người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đủ năng lực nhận thức hành vi buộc phải biết hành vi của mình có gây nguy hiểm hay không và chịu trách nhiệm với hậu quả xảy ra. Nhận thức này không phụ thuộc vào lời khai của nhóm Xuyên. Không thể nói không nhận thức nên cứ thực hiện hành vi được”.

Theo LS Đạt, hành vi của nhóm Xuyên có thể phải bị khởi tố về tội “Giết người” hoặc “Đe dọa giết người” có hậu quả nghiêm trọng là xảy ra chết người. Hoặc việc truy đuổi của nhóm Xuyên đã phạm vào tội “Vô ý làm chết người”. Việc nhóm Xuyên bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng” là chưa thỏa đáng. 

Còn LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) nhận định ai dám chắc khi nhóm Xuyên đuổi kịp, gặp nhóm Phương chỉ để nói chuyện. Trong khi hai bên đã mâu thuẫn từ lâu. Về lý luận, người phạm tội không nhất thiết phải có hành vi tác động vào thân thể nạn nhân dẫn đến nạn nhân chết thì mới là giết người. Có nhiều trường hợp người phạm tội không có hành vi tác động đến nạn nhân nhưng vẫn có thể xác định hành vi đó là hành vi giết người. Lý luận gọi hành vi này là “không hành động”. Trong vụ án này, dù ít hay nhiều, dù cố ý hay vô tình, nhóm Xuyên đã có tác động về mặt tinh thần gây ra vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người.

“Nếu nói nhóm Xuyên không có ý định đánh nhau thì tại sao khi tất cả những người trong nhóm Phương gặp tai nạn, nhóm Xuyên lại bỏ đi mà không có hành động cứu giúp? Tìm gặp nhau để thiện chí thì người ta gặp tai nạn phải cứu giúp. Hành vi không cứu giúp người gặp nạn của nhóm Xuyên chưa thấy cơ quan điều tra nhắc đến”, LS Thuận nói.

Trong số báo tới, Báo PLVN sẽ nêu ra những sai phạm về nguyên tắc xét xử độc lập của TAND tỉnh Bình Định và sự tắc trách của VKSND khi để bị can Xuyên đi khỏi nơi cư trú, gây ra vụ “CSGT té ngã khi làm việc với dân” tại TP Quy Nhơn (Bình Định) gây xôn xao dư luận vừa qua.

Trong các bị can, bị can Xuyên và Nhật có nhiều tiền án, tiền sự nhưng khi bị khởi tố, truy tố vẫn được tại ngoại. Cụ thể, bị can Xuyên có 4 tiền án, tiền sự. Năm 2002, bị đưa đi cơ sở giáo dục 12 tháng tại Cơ sở giáo dục A1 - Phú Yên vì tham gia gây rối tại địa phương. Năm 2005, tham gia gây rối trật tự công cộng tại TP Quy Nhơn và bị TAND TP  Quy Nhơn tuyên phạt 12 tháng tù. Năm 2010 bị đưa vào cơ sở giáo dục 24 tháng tại Cơ sở giáo dục A1 Phú Yên vì tham gia đánh nhau, gây rối tại địa phương. Năm 2017, bị UBND xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh - trật tự (ANTT) vì có hành vi đập phá tài sản của người khác.

Bị can Nhật có 2 tiền án, tiền sự. Năm 2013, bị TAND huyện Phù Mỹ tuyên 2 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Năm 2012, bị Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT vì có hành vi: Dùng thủ đoạn buộc người khác đưa tiền.

Đọc thêm