Bác đơn khởi kiện trong vụ án hành chính

(PLVN) - Hỏi: Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính bị khiếu kiện nhưng người khởi kiện không rút đơn khởi kiện thì Tòa án xử bác đơn khởi kiện do đối tượng khởi kiện không còn có đúng không?

- Tòa án nhân dân tối cao trả lời: Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 57 của Luật Tố tụng Hành chính.

Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án căn cứ vào Điều 187 của Luật Tố tụng Hành chính để tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới, người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện xuất trình quyết định hành chính mới sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện mà người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu người khởi kiện không rút đơn khởi kiện thì Tòa án phải tiếp tục xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện và quyết định hành chính mới. Trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào khoản 2 Điều 193 của Luật Tố tụng Hành chính để tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác yêu cầu khởi kiện nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật hoặc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện nếu quyết định hành chính bị khởi kiện, quyết định hành chính mới trái pháp luật. Trường hợp quyết định hành chính mới có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải tạm ngừng phiên tòa để đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Đọc thêm