Đốt pháo đêm giao thừa có bị xử lý hình sự?

(PLVN) - Dịp Tết năm nay, nhóm bạn em mua vài bánh pháo nổ dự định sẽ đốt vào đêm giao thừa cho thêm phần rôm rả. Xin hỏi việc đốt pháo nổ như vậy có vi phạm pháp luật không? Đốt pháo với số lượng bao nhiêu thì mới bị xử lý? (Bạn Tuấn Anh, 22 tuổi ở Quảng Ninh) 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trả lời:

Năm 1994, Thủ tướng Chính Phủ  có Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, theo đó kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).

Cũng từ năm 1994 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể về quản lý pháo nổ. Như vậy, mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ nói chung đều là trái pháp luật và tùy theo mức độ nguy hiểm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC năm 2008 quy định thì việc đốt pháo là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Chương II của thông tư này. Các hoạt động đốt pháo cụ thể sẽ bị xử lý cụ thể như sau:

- Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

- Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hành vi đốt pháo tùy vào mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý tương ứng. Nếu hành vi đốt pháo mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ phải xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2016/NĐ-CP năm 2016.

Theo đó, về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm với phạt tùy vào mức độ mà sẽ bị xử phạt thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 40.000.000 đồng.

Nếu hành vi vi phạm là nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội gây rối trật tự công cộng với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù. 

Đọc thêm