Bị chồng 'bạo lực' trên giường, phải làm sao?

(PLO) - Từ khi lấy chồng, em được chồng lo cho cuộc sống vật chất đầy đủ, có thể nói là sung sướng, ngoại trừ nỗi ám ảnh kinh hoàng trên giường ngủ. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em từng bị sảy thai, thậm chí nhiều lần phải nhập viện do sức khỏe sa sút trầm trọng vì bị cưỡng bức tình dục triền miên nhưng không dám hé răng vì xấu hổ. Em không biết hành vi của chồng em như vậy có bị coi là bạo lực gia đình hay không vì anh ấy chưa bao giờ đánh đập vợ? Em phải làm sao để thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc này…? (chị Hà Hương, 34 tuổi ở TP HCM) 

Trả lời:

Cần phải trả lời ngay rằng, không phải cứ đánh đập, chửi bới, hành hạ, ngược đãi… mới là hành vi bạo lực gia đình. Đôi khi hành vi bạo lực gia đình hết sức “vô hình”, rất khó nhận diện như bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế…

Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định về các hành vi bạo lực gia đình như sau:

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.”

Như vậy, theo điểm đ, khoản 1 Điều 2 kể trên thì việc chị bị người chồng thường xuyên cưỡng ép quan hệ tình dục cũng là hành vi bạo lực gia đình. Và thực tế đã từng xảy ra việc chị bị sảy thai, nhập viện nghĩa là hậu quả của bạo lực gia đình rất trầm trọng. Tuy nhiên, đây là hành vi thuộc lĩnh vực nhạy cảm, riêng tư trong quan hệ vợ chồng nên cũng rất khó để xử lý. 

Thực tế, trong các vụ bạo hành gia đình nói chung, nạn nhân phải bị gây thương tích với vết thương làm tổn hại sức khỏe đến một tỉ lệ thương tật mà pháp luật quy định thì thủ phạm mới bị xử lý. Mà một khi pháp luật hình sự đã vào cuộc xử lý bạo lực gia đình thì đồng nghĩa với việc gia đình đó sẽ tan vỡ. 

Vậy nên biện pháp hữu hiệu trong hoàn cảnh này trước hết chị hãy khéo léo góp ý với chồng mình để hai bên cùng tháo gỡ vấn đề khó nói. Nếu không tìm được tiếng nói chung, chị cần chia sẻ, tâm sự với người thân trong gia đình mình và đặc biệt người thân trong gia đình chồng như mẹ chồng, chị em gái của chồng để nhờ có tiếng nói góp ý, phân giải. Việc nhờ đến chính quyền, đoàn thể được coi là biện pháp sau cùng, khi các phương án trên không phát huy tác dụng. 

Ở một góc độ khác, thực tế đã ghi nhận ly hôn cũng được coi là giải pháp hữu hiệu, triệt để đối với trường hợp người vợ bị chồng cưỡng bức, bạo hành tình dục thường xuyên, liên tục mà không tìm được biện pháp cải thiện. 

Đọc thêm