Bổ sung ảnh chụp người dùng di động vào dữ liệu: Nhiều khách hàng bất ngờ

(PLO) - Ra điểm giao dịch để đăng ký số di động mới, chị Huyền Anh (Tây Hồ, Hà Nội) khá bất ngờ khi được nhân viên giao dịch cho biết phải chụp ảnh chị để lưu vào dữ liệu khách hàng theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, đến nay, sau gần 2 tháng thực hiện, hầu như rất ít khách hàng biết đến quy định mới này.
Từ nay, khi đăng ký thông tin thuê bao di động, khách hàng phải chụp ảnh để lưu vào dữ liệu. Ảnh minh họa)
Từ nay, khi đăng ký thông tin thuê bao di động, khách hàng phải chụp ảnh để lưu vào dữ liệu. Ảnh minh họa)

Sẽ bổ sung ảnh chụp vào tất cả dữ liệu của khách hàng di động

“Tôi thấy bất ngờ về quy định mới này, không biết có phải VinaPhone cố tình làm khó cho chúng tôi không. Hiện tôi cũng chưa thấy các nhà mạng khác triển khai thực hiện nội dung này” – chị Huyền Anh cho biết. Dù nhân viên giao dịch đã giải thích cặn kẽ song chị Huyền Anh đã hủy bỏ giao dịch dù phần thông tin TB chỉ còn cần bổ sung ảnh chụp chân dung, để “về nhà nghiên cứu thêm”.

Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, TB cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các TB đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các TB đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định này. 

Theo chia sẻ của đại diện VNPT VinaPhone, việc thực hiện việc cập nhật, bổ sung thông tin TB di động trả trước đăng ký mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nội dung bổ sung ảnh chụp của khách hàng đến giao dịch. Đây là điều được nhà mạng dự liệu trước, và hiện này đơn vị này đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông về Nghị định 49 trên tất cả các kênh tiếp xúc với khách hàng. 

Với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, việc hình thành một cơ sở dữ liệu thông tin về TB di động chính xác, đầy đủ là điều kiện bắt buộc.  “Tuy nhiên, để khách hàng hiểu và sẵn sàng hỗ trợ, VNPT rất cần Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan quản lý cùng chung tay truyền thông thêm tới người dân về Nghị định 49/2017/NĐ-CP - Nghị định có tác động tới toàn bộ hơn 126 triệu TB di động hiện có của Việt Nam” – đại diện VNPT chia sẻ.

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, việc đăng ký thông tin là bắt buộc với TB di động của tất cả các nhà mạng. Nếu không thực hiện theo những nội dung này, nhà mạng sẽ bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng cho mỗi TB. Tổng số tiền phạt có thể lên tới 200 triệu đồng kèm theo những khoản phạt bổ sung khác khiến số tiền phạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Còn với các TB không thực hiện theo quy định thì nhà mạng sẽ phải ngừng cung cấp dịch vụ trong vòng 60 ngày. Không ngừng dịch vụ, nhà mạng cũng sẽ bị phạt.

Khách hàng có thể tự kiểm tra thông tin TB cực dễ dàng

Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng quy định, đối với TB di động có thông tin TB không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định này.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo TB sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, đồng thời thông báo TB sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.

Để tránh bị cắt dịch vụ, nhất là với những số TB có đăng ký song ít sử dụng tới, TB cần kiểm tra xem thông tin đăng ký của mình đã chính xác chưa. Ngoài việc gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng hoặc tra cứu thông tin thuê bao trên trang điện tử của doanh nghiệp, TB di động trả trước có thể thực hiện một thao tác đơn giản là gửi tin nhắn TTTB tới 1414. Tổng đài ngay lập tức sẽ gửi tin nhắn phản hồi về thông tin TB số điện thoại gửi tin nhắn đã đăng ký bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp và nơi cấp. Nếu thông tin chính xác thì TB có thể yên tâm sử dụng lâu dài. Nếu chưa chính xác TB cần đến các điểm giao dịch của VinaPhone trên toàn quốc để sửa lại thông tin.

Với cách này, TB chỉ có thể kiểm tra được thông tin của sim đang sử dụng, không kiểm tra được thông tin cho các TB khác. TB hoàn toàn được miễn phí khi gửi tin nhắn tới tổng đài 1414.

Còn về thông tin TB di động sẽ bắt buộc bổ sung thêm, như ảnh chụp người đến giao dịch, thời gian giao dịch… thì khi nào nhà mạng có thông báo, TB mới cần quan tâm tới việc bổ sung các thông tin này.

Đọc thêm