Cán bộ đi du lịch bằng tiền của doanh nghiệp có phạm luật không?

(PLO) - Tôi đang làm cán bộ lãnh đạo tỉnh B. Mới đây, tôi được Công ty X - một doanh nghiệp lớn của tỉnh tài trợ đi du lịch châu Âu. Nếu tôi đi du lịch bằng tiền của doanh nghiệp có vi phạm quy định của pháp luật không?.

Luật sư Thu Hằng – Công ty Luật Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: 

Theo quy định tại Điều 11 Theo quy định tại Điều 11 Luật phòng, chống tham nhũng 2005, sửa đổi năm 2012, thì một trong những nguyên tắc trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải: “Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, dân chủ” và “Cơ quan đơn vị phải công khai hoạt động của mình”. Bên cạnh đó, pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng quy định việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức như sau:

1.Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

3. Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi”. (Điều 40. Luật phòng chống tham nhũng 2005)

Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu rõ :“Đối với việc đi công tác nước ngoài, cán bộ mỗi năm không được đi quá hai lần, trừ những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của công việc. Cấm sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các đoàn đi tham quan, du lịch nước ngoài. Cán bộ lãnh đạo các cấp không được đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp”.

Như vậy, việc các cán bộ nhà nước đi du lịch bằng tiền của Doanh nghiệp, theo lời mời của Doanh nghiệp dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm hoặc bị lợi dụng để vi phạm pháp luật.

Theo các quy định nói trên, nếu xác định các lãnh đạo đi du lịch bằng tiền của Doanh nghiệp là đúng và việc đi không rõ mục đích, không có kế hoạch rõ ràng, không minh bạch thành phần, mục đích, nội dung, kinh phí đến hiệu quả của chuyến đi thì những hành vi nói trên là một dạng tham nhũng, vi phạm điều cấm của luật.

Tuy nhiên, cần làm rõ cả đơn vị tài trợ và người được mời đi được gì sau chuyến công du. Trường hợp là các khoản chi sai của Doanh nghiệp nhà nước thì phải nộp lại nhà nước và truy trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp. Người được mời cũng phải làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định luật về cán bộ công chức, điều lệ Đảng và không áp dụng hình thức “xử lý nội bộ” nếu vi phạm của Đảng viên đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự (Quyết định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ chính trị).

Trường hợp là Doanh nghiệp tư nhân đài thọ cho cán bộ, công chức đi công tác kết hợp đi du lịch có đúng quy định nhà nước hay không thì quy định đã chỉ rõ cán bộ không được phép. “Các cơ quan, đơn vị, các địa phương không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức... bằng ngân sách nhà nước. Không được tham gia các đoàn đi nước ngoài do các Doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các Doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Tổ chức thành phần đoàn đi gọn nhẹ theo đúng quy định. Cán bộ tham gia đoàn phải đúng người, đúng việc, có tính đến nhu cầu đào tạo cán bộ”. (Chỉ thị 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài).

Về nguyên tắc, Luật Phòng chống tham nhũng đã chỉ rõ, người nào lạm dụng quyền lực để lợi dụng, trục lợi cá nhân là tham nhũng. Do đó, cần phải làm rõ các chuyến đi đó có đúng mục đích hay không?. Trên giấy tờ mục đích đoàn đi học hỏi kinh nghiệm, công tác rất hay và cần thiết, nhưng thực tế lại là đi chơi, đi du lịch thì rõ ràng đó là một dạng tham nhũng rất đáng lên án và quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách.

Việc làm quyết liệt này nhằm thực hiện đúng Luật phòng chống tham nhũng, các chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị để ngăn ngừa sự lạm dụng chức quyền chính trị để lợi dụng Doanh nghiệp, liên minh với các Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, gọi là lợi ích nhóm, gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà tổn hại về cả tinh thần, tư tưởng, nhất là uy tín của lãnh đạo đối với người dân.

Đọc thêm