Cảnh báo báo chí, xuất bản nội dung không phù hợp với trẻ em

(PLO) - Chuyện cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em, từ trước đến nay các đài truyền hình vẫn có thực hiện, nhưng khá chiếu lệ. Còn các kênh truyền thông khác thì hầu như không có. Với Thông tư mới của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều người hy vọng sẽ có sự chuyển biến trong hành động “lọc” chương trình dành cho trẻ.
Một cảnh khá “nhạy cảm” trong bộ phim truyền hình đình đám “Sống chung với mẹ chồng”, chiếu vào khung giờ vàng, không ít trẻ xem cùng cha mẹ.
Một cảnh khá “nhạy cảm” trong bộ phim truyền hình đình đám “Sống chung với mẹ chồng”, chiếu vào khung giờ vàng, không ít trẻ xem cùng cha mẹ.

Theo Thông tư mới của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 1/10, các cơ quan, tổ chức được cấp phép hoạt động báo chí và xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp cho trẻ em trên các kênh chương trình phát thanh, truyền hình; báo chí in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức, gồm: âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng. Nội dung cảnh báo bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, phải thể hiện được khuyến cáo: nội dung không phù hợp cho trẻ em đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem. Cạnh đó cũng buộc phải có sự phân loại cụ thể theo từng lứa tuổi để cha mẹ lựa chọn cho trẻ xem hợp lý.

Điều này đã khiến nhiều bậc phụ huynh phấn khởi, vì từ trước đến nay, việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ vẫn được thực hiện một cách chiếu lệ hoặc không có. Đơn cử, về phía các đài truyền hình, đã một thời gian phụ huynh phản ứng mạnh về việc các phim hoạt hình anime mang nhiều yếu tố “người lớn”, gợi cảm xuất hiện trong các khung giờ dành cho thiếu nhi mà hầu như không có cảnh báo nội dung không phù hợp, hoặc khuyến cáo rất mơ hồ, khiến phụ huynh không thể nhận ra. Chính bởi tâm lý mặc định phim hoạt hình là dành cho thiếu nhi, nhiều phụ huynh sau đó đã hỡi ơi khi phát hiện một thời gian dài mình thả lỏng cho con xem những chương trình có khả năng “đầu độc” con mình. 

Cạnh đó, việc các đài dành quá nhiều giờ vàng của các gia đình để chiếu những chương trình không phù hợp, mang quá nhiều yếu tố nhạy cảm cũng khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Ví dụ, trong giờ vàng vẫn có những bộ phim táo bạo, hở hang, nhiều cảnh nóng. Hoặc một số game show hài dung tục, hoặc cách chương trình thi thố tài năng có yếu tố gây sợ hãi... Nếu có sự dán nhãn, cảnh báo đối với các bộ phim hay chương trình, sẽ góp phần hạn chế được việc trẻ xem cùng với bố mẹ và tình cờ nhìn thấy những cảnh chiếu hoàn toàn không phù hợp.

Sự nguy hại cho nhận thức trẻ đến từ các nội dung không phù hợp trên các ấn phẩm điện tử cũng không ít, khi mà hiện nay, nhiều ấn phẩm, kênh truyền thông vì lợi nhuận đang “sống chết” câu view bằng đủ chiêu trò. Rất nhiều trường hợp, ấn phẩm dành cho trẻ em, nhưng xuất hiện trên trang của người lớn, đứng cạnh những mục, chương trình chỉ dành cho người lớn, điều này cũng sẽ gây tác động xấu cho trẻ.  

Việc dán nhãn, cảnh báo là đặc biệt cần thiết, khi mà từ trước đến nay, điều này chưa được chú trọng, đã gây ra không ít chuyện không hay. Nhiều phụ huynh, bận rộn, cứ thấy chương trình có yếu tố thiếu nhi hoặc có thể “vô hại” thì vô tư cho con xem chứ không có thời gian theo dõi chặt chẽ để thực sự biết có phù hợp hay không. Dẫn đến những trường hợp vô tình cho con xem phim “hoạt hình người lớn” như nói trên. Có một thời điểm, một chương trình núp bóng thiếu nhi về người nhện và công chúa trên kênh you tube đã bị phát hiện có nội dung rất phản cảm, nhiều yếu tố “giường chiếu”, thô tục. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo sốt vó khi trước đó học đã để cho con mình thoải mái xem vì nghĩ là hợp với lứa tuổi của con.

Không chỉ bắt buộc đưa ra cảnh báo, Thông tư mới đã đi vào chi tiết khi quy định cụ thể về cách thức của việc cảnh báo để có thể đạt hiệu quả mong muốn, chứ không phải “cho có” như từ trước đến nay. Nhưng tất nhiên, từ Thông tư đến áp dụng vào cuộc sống còn phải qua một chặng đường dài mà quan trọng là làm thể nào để các đơn vị nghiêm túc chấp hành, thực hiện thông tư. Làm sao để các truyền thông, xuất bản không vì lợi nhuận mà “bất tuân” thông tư, lờ đi các quy định? Chế tài xử lý các vi phạm ra sao? Cơ quan quản lý phải làm thế nào để việc cảnh báo trở nên cụ thể, rõ ràng và sinh động trên thực tế? Khâu truyền thông thực hiện ra sao để phụ huynh có thể hiểu được mức độ quan trọng của việc tuân thủ cảnh báo, không du di, lơ là, dẫn đến gây hại cho con? 

Hy vọng rằng, tất cả các câu hỏi ấy sẽ có lời giải đáp chính đáng từ những đơn vị thực thi thông tư, để trẻ thực sự được bảo vệ bởi một Thông tư đầy văn minh, phù hợp.

Đọc thêm