Có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đơn vị cũ chưa trả sổ bảo hiểm?

(PLO) - Bạn đọc từ email vankhien90@gmail.com hỏi: Tôi nghỉ việc tại đơn vị cũ là tháng 2/2017. Trong thời gian đó đơn vị cũ chưa thể rút bảo hiểm xã hội (BHXH) của tôi vì còn nợ tiền BHXH chưa đóng trả. Đến tháng 6/2017, tức là sau 4 tháng nghỉ việc, thì tôi mới nhận được sổ bảo hiểm để đóng đơn vị mới. Vậy cho tôi hỏi, trong thời gian từ tháng 2/2017 đến tháng 6/2017, tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? Trong thời gian từ tháng 2/2017 đến 6/2017, tôi đóng bảo hiểm tự nguyện có được không? 

- BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của  Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Do đó, trường hợp ông/bà nghỉ việc từ tháng 2/2017, đến tháng 6/2017 đã quá thời hạn quy định do đó không có căn cứ để ông/bà hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người lao động đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức hàng tháng, 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Do đó, không có quy định để tháng 6/2017 ông/bà đóng BHXH tự nguyện cho thời gian từ tháng 2/2017 đến tháng 6/2017.

Đọc thêm