Phá nhà mình đổ nhà hàng xóm, ai có trách nhiệm bồi thường?

(PLO) - Nhà tôi và nhà bên cạnh tường kề nhau. Hôm trước nhà họ đập tường để xây nhà mới đã làm đổ sang nhà tôi và làm nứt tường phòng khách nhà tôi và vỡ gần hết nhà vệ sinh. 

Phá nhà mình đổ nhà hàng xóm, ai có trách nhiệm bồi thường?

Tôi đã yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng chủ nhà không chịu bồi thường và cho rằng họ không có lỗi, người thi công công trình mới có trách nhiệm phải chịu bồi thường cho tôi. Vậy chủ nhà nói vậy đúng hay sai? Ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường? Tôi phải làm gì để đòi được số tiền này để sửa nhà vì phòng khách bị nứt tường đã không còn sử dụng được nữa. (Trần Minh Sơn - Hải Phòng)

Trả lời: 

Người phải chịu trách nhiệm bồi thường do nhà ở gây ra trong trường hợp này là “chủ sở hữu” và “người thi công công trình”.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Khoản 3 Điều 584 BLDS 2015: Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại Khoản 2 Điều này.  Khoản 2 quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 605 BLDS quy định rõ: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.”

Như vậy, trường hợp trên, bên bị thiệt hại hoàn toàn không có lỗi, thiệt hại phát sinh không do sự kiện bất khả kháng. Chiếu theo điều khoản trên thì chủ sở hữu nhà và người thi công công trình phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.

Khoản 1 điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ về nguyên tắc bồi thường như sau: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Nếu không thỏa thuận được mà bên có căn cứ chứng minh rằng bên kia tháo dỡ nhà đã làm thiệt hại đến nhà ở, công trình xây dựng của bên bị thiệt hại thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự tới Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết. Tòa án sẽ xem xét tình trạng thiệt hại thực tế để xác định mức bồi thường là bao nhiêu.

Đọc thêm