Phụ huynh nhờ sửa điểm ở Hà Giang có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

(PLO)- Theo luật sư Luật sư Giáp Văn Điệp Công ty Luật TNHH Fanci – Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang và Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS LawFirm, nếu cơ quan Công an tỉnh Hà Giang chứng minh có việc đưa và nhận tiền để sửa điểm thi thì có thể xem xét về tội đưa và nhận hối lộ.

Luật sư Giáp Văn Điệp.
Luật sư Giáp Văn Điệp.

Luật sư Điệp cho rằng: Sự việc xảy ra tại Hà Giang là rất nghiêm trọng, tạo dự luận rất xấu cho xã hội, làm ảnh hưởng đến tinh thần học tập và sự vươn lên của các học sinh sau này, có thể khiến họ mất niềm tin vào việc coi thi và chấm  thi, do đó sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu học tập của các thế hệ sau.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS LawFirm cho rằng: Hành vi sửa điểm, can thiệp vào điểm thi THPT quốc gia đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, trước hết là đối với Nhà nước, làm lãng phí nhân lực và tốn kém thời gian, tiền của của Nhà nước. Sau đó là đối với các trường Đại học dựa vào điểm thi THPT quốc gia của các em để xét tuyển. "Sai phạm khi chấm thi dẫn đến đánh giá không đúng thực lực của các em, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường Đại học", Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nói.

Thông tin từ buổi họp báo chiều 17/7, ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An cho biết, quá trình điều tra, kiểm tra điện thoại của ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang là người trực tiếp thực hiện việc sửa chữa nâng điểm cho các thí sinh, Cơ quan an ninh A 83 Bộ công an đã tìm thấy rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh. 

"Khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính. Như vậy có căn cứ để khởi tố vụ án", Luật sư Điệp nói.

Theo Luật sư Điệp và Luật sư Tuấn: Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.

Cụ thể: Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ,

quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Cũng theo Luật sư Điệp, trong vụ việc này, nếu cơ quan chứng minh được việc các phụ huynh đưa tiền nhằm mục đích sửa điểm cho con mình thì có thể xem xét về tội đưa hối lộ theo điều 364 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017 và nếu chứng minh được người sửa điểm nhằm mục đích lấy tiền thì có thể xử lý về tội nhận hối lộ theo điều 354 BLHS 2015.

Luật sư Tuấn nhận định thêm, nếu người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Đọc thêm