Tạo điều kiện để chuyên viên pháp lý trẻ tham gia các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(PLO) - Hướng tới Kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp, hôm qua (11/8), trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý (HTPL) liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (Chương trình 585), Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức Hội nghị về vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ của các bộ, ngành đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Ảnh pháp lý
Ảnh pháp lý

Tại Hội nghị, TS Nguyễn Thanh Tú – Phó Ban quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) đã giới thiệu một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về HTPL cho doanh nghiệp. Có thể thấy, HTPL cho doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu nhưng điều quan trọng, theo ông Tú là HTPL như thế nào và vai trò, trách nhiệm của chuyên viên pháp lý trẻ của các bộ, ngành trong hoạt động này ra sao. 

Từ thực tiễn công việc tại Vụ, ông Tú đưa ra những minh họa sống động về nhu cầu HTPL của doanh nghiệp mà các chuyên viên pháp lý trẻ có thể đóng góp sức mình như doanh nghiệp xin ý kiến về cách hiểu chủ thể sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực; thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh…

Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tất nhiên sẽ có những khó khăn song cũng khả thi nếu các chuyên viên pháp lý trẻ xác định cho mình một tâm thế vì doanh nghiệp, vì người dân; dám suy nghĩ, tìm tòi, có trách nhiệm, dám trao đổi; biết bảo vệ quan điểm cá nhân…

Bên cạnh đó, cũng cần sự hỗ trợ, tin tưởng, giao việc của lãnh đạo đơn vị, của Đoàn Thanh niên và rộng hơn là của cộng đồng doanh nghiệp. Sự tham gia của chuyên viên pháp lý trẻ vào hoạt động HTPL cho doanh nghiệp sẽ giúp bồi đắp thêm kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn, nâng cao vai trò của bộ, ngành, của Đoàn trong việc hưởng ứng tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” của Chính phủ.

Thời gian qua, đội ngũ chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp đã có những hoạt động thiết thực và hiệu quả trong công tác HTPL cho doanh nghiệp gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc đặt ra đối với các chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác trên. Do đó, theo Phó Bí thư Chi đoàn Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Thị Nhẫn cần có những hướng đi, giải pháp để tăng cường vai trò của đội ngũ này trong đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức HTPL cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp. 

Chia sẻ kinh nghiệm của Chi đoàn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bạn Hoàng Thanh Tuấn cho biết, định kỳ hàng quý Chi đoàn tổ chức các buổi tọa đàm chuyên môn, luân phiên phân công theo tổ đoàn viên của các phòng, vừa nâng cao kiến thức cho chuyên viên pháp lý trẻ vừa tạo nền tảng, động lực cho các đoàn viên tích cực nghiên cứu, rèn luyện các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm…

Bạn Đậu Thị Mai Hương- Chi đoàn Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì cho biết, hơn 50% công chức của Vụ là các đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt tại Chi đoàn Vụ Pháp chế và đây chính là nhân sự chủ yếu thực hiện công tác HTPL cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tại Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định nên để giữ vững vai trò của các chuyên viên pháp lý trẻ, bạn Hương mong muốn lãnh đạo đơn vị, Ban Chấp hành Chi đoàn cần quan tâm khuyến khích, động viên, hỗ trợ kịp thời như hướng dẫn về kiến thức chuyên môn pháp lý, tư vấn các phương pháp sắp xếp công việc khoa học để nâng cao tiến độ, chất lượng công việc; phương pháp tiếp cận công việc hiệu quả…

Đọc thêm