Vi phạm về hình thức Đấu giá: Tăng cường chế tài xử phạt

(PLO) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016 được đánh giá là có nhiều nội dung mới, tạo khung pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động ĐGTS. Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng triển khai thi hành (Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2017), một số vấn đề rất mới trong quản lý nhà nước đang đặt ra đối với các Sở Tư pháp và các cơ quan, ban, ngành có liên quan.
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất

Rõ ràng hơn hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói

Về các hình thức đấu giá, Luật đã quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bằng bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến và hình thức này được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp có phát sinh tình huống là khi khách hàng trả giá, trực tiếp mang hồ sơ đến đơn vị bán đấu giá hoặc gửi qua bưu điện thì ai là người quản lý hồ sơ, liệu có đảm bảo về mặt an ninh không? Nếu xảy ra mất thì xử lý thế nào?  

Vướng mắc trên được minh họa từ thực tế của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đấu giá. Doanh nghiệp này chia sẻ đã từng thực hiện bỏ phiếu kín, trả giá 1 lần qua đường bưu điện. Khi khách hàng gửi hồ sơ đến doanh nghiệp và đặt cọc tiền vào tài khoản thì doanh nghiệp cung cấp phiếu trả giá cho khách hàng để mang về tự trả giá 1 lần và gửi qua bưu điện. Doanh nghiệp cùng bên có tài sản, bên giám sát nhận xong thì gửi vào ngân hàng, hôm sau tổ chức đấu giá mới lại bê ra. Quá trình đấu giá có mời khách hàng tự lên kiểm tra khóa hồ sơ của mình. Cuộc đấu giá lần đó đã thành công, suôn sẻ song tổ chức đấu giá có quản lý được không nếu quy mô cuộc đấu giá lớn hơn. 

Thấu hiểu băn khoăn về tính khả thi và bảo mật liên quan đến hình thức bỏ phiếu gián tiếp trên của doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến thông tin: Đây cũng là quy định được quan tâm khi Luật được xây dựng và thông qua. Bà Yến khẳng định, nếu bỏ phiếu gián tiếp mà không bảo mật được thì ý nghĩa của hình thức đấu giá này là không còn. Vì thế, Luật ĐGTS đã quy định cụ thể hình thức, phiếu trả giá như thế nào, bỏ thùng phiếu có niêm phong, người tham gia đấu giá giám sát niêm phong… “Nói chung, các quy định của Luật tương đối bao quát trình tự, thủ tục để bảo mật nội dung này. Nhưng thực tiễn có việc lạm dụng liên quan tổ chức bán đấu giá bảo quản như thế nào thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để có giải pháp và hướng dẫn cụ thể, nhất là sẽ tăng cường chế tài liên quan đến hành vi vi phạm trong hình thức đấu giá này” – bà Yến cam kết.

Tạo điều kiện chuyển đổi càng sớm càng tốt

Một vấn đề được đặc biệt quan tâm trong triển khai Luật ĐGTS là việc đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành. Theo quy định của Luật, doanh nghiệp ĐGTS chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Nhưng đại diện doanh nghiệp ở Lào Cai phản ánh doanh nghiệp của ông lại là Công ty TNHH thì khi chuyển đổi, mã số thuế như thế nào, dấu khắc như thế nào, với tài sản chưa thanh lý hết sẽ giải quyết ra sao.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Quế Anh nêu thực tế của địa phương, Nghệ An hiện có 19 tổ chức đấu giá, trong đó có 1 trung tâm, còn lại các đơn vị đa dạng thực hiện (cổ phần, tư nhân, doanh nghiệp đa chức năng ngành nghề bao gồm cả đấu giá). Trong khi đó, khoản 2 Điều 80 Luật quy định trong vòng 2 năm phải thực hiện chuyển đổi với những doanh nghiệp đăng ký hoạt động trước đây tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, còn khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2017 lại không nêu rõ thời hạn nên địa phương lăn tăn không rõ sẽ thực hiện ra sao. “Chúng tôi sẽ triển khai từ nay tới trong vòng 2 năm hay thế nào, tính hiệu lực theo Luật hay thế nào” – bà Quế Anh thắc mắc. 

Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến lý giải, theo quy định trước đây, có 290 doanh nghiệp đăng ký chức năng ĐGTS song chỉ có vài chục là bán thật. Bởi vậy, nhận thấy ĐGTS là nghề bổ trợ đặc biệt có gắn với trách nhiệm vô hạn nên Luật quy định các tổ chức ĐGTS được thành lập dưới mô hình doanh nghiệp sẽ thành lập dưới mô hình đối nhân nhằm chuyên nghiệp hóa các tổ chức ĐGTS. “Mặc dù hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp đặc biệt, đặc thù là nghề tư pháp, kinh doanh có điều kiện” – bà Yến nói. 

Về thời gian chuyển đổi, theo bà Yến, nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi ngay thì thực hiện luôn nhưng Luật cho phép 2 năm là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thu xếp công việc. Việc chuyển đổi sẽ thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp. Các vấn đề liên quan tới mã số thuế, con dấu sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tương tự của các nghề bổ trợ tư pháp khác như công chứng, luật sư. Bà Yến đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện càng sớm càng tốt bởi việc chuyển đổi đối với ĐGTS sẽ không khó khăn như công chứng vốn chỉ có 1 loại hình là công ty hợp danh. 

Đọc thêm