Xây dựng quy định về khai thác thông tin viễn thám: Tưởng “mở” mà chưa “mở”

(PLO) - Theo ý kiến các chuyên gia, xây dựng quy định về cơ chế tiếp cận thông tin viễn thám được đề xuất tại Dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám cần làm rõ cách thức để thuận tiện cho các chủ thể tiếp cận và khai thác thông tin.

Theo quy định tại Điều 30 Dự thảo thì thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám được chia thành 03 loại, trong đó 2 loại thuộc phạm vi bí mật Nhà nước (độ Mật và Tối mật), và 01 loại Thông tin được công bố và cung cấp rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo nhu cầu sử dụng.

Đối với loại thông tin “không Mật” này, Dự thảo quy định tiếp cận rộng,  không hạn chế chủ thể tiếp cận. Các chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rằng, quy định về cơ chế tiếp cận đối với loại thông tin này của Dự thảo là hợp lý, phù hợp với tính chất của thông tin và nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội đối với các thông tin này. Tuy nhiên, cách thức thiết kế các quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám loại này tại Dự thảo lại chưa hoàn toàn tương ứng với định hướng nêu trên, chưa bảo đảm tính đơn giản, thuận tiện cho việc tiếp cận của các chủ thể và vì vậy cần được cân nhắc, xem xét điều chỉnh, bổ sung. 

Trong văn bản góp ý với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Thông tư, tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn Điều 26 dự thảo quy định về việc khai thác thông tin, dữ liệu viễn thám trên trang thông tin điện tử. Theo đó, tại khoản 1 Điều này thì để tiếp cận thông tin, dữ liệu viễn thám qua phương thức này, các chủ thể muốn tiếp cận thông tin phải thực hiện “đăng ký” và được cấp quyền truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ quan cung cấp thông tin dữ liệu.

VCCI cho rằng, quy định này chưa rõ về một số điểm quan trọng. Về tính chất, việc đăng ký này là đăng ký tự động (theo nghĩa bất kỳ chủ thể nào đăng ký đều sẽ được chấp nhận và được cấp quyền) hay có điều kiện? Theo tính chất của loại thông tin thì có thể hiểu đây là đăng ký tự động, và nếu như thế thì cần phải làm rõ tính chất tự động của việc đăng ký này. 

Hơn nữa, về thủ tục, việc đăng ký này thực hiện ngay trên trang thông tin điện tử hay theo phương thức truyền thống (gửi hồ sơ giấy) và trình tự giải quyết thủ tục thế nào? VCCI cho rằng, vì việc khai thác thông tin, dữ liệu này là trên môi trường điện tử, nên cần quy định rõ thủ tục đăng ký này là được thực hiện trên môi trường điện tử và việc cấp quyền là tự động cũng trên môi trường điện tử, với thời hạn cấp quyền ngắn nhất.

Còn tại Điều 27,  về yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu thông qua hình thức phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu, Dự thảo chưa có quy định về thời hạn mà cơ quan quản lý thông tin, dữ liệu phải cung cấp thông tin sau khi tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu hoặc sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính (đối với trường hợp phải nộp phí). Đây là nội dung cần được quy định rõ. Thêm nữa, nội dung “Mục đích sử dụng thông tin, dữ liệu” trong văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại điểm c khoản 2 Điều 27 dường như là không cần thiết, vì đây là các thông tin thuộc nhóm được cung cấp công khai, rộng rãi, có nghĩa là việc tiếp cận các thông tin này không tác động đến các lợi ích công cộng. 

Về trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu viễn thám, khoản 1 Điều 29 Dự thảo quy định “không được chuyển thông tin, dữ liệu cho bên thứ ba sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu”. Các chuyên gia cho rằng, quy định này dường như chưa hợp lý đối với việc cung cấp thông tin, dữ liệu được công bố công khai, rộng rãi. Vì thế, quy định này bị đề nghị bãi bỏ do việc tiếp cận và sử dụng thông tin không tác động đến các lợi ích công cộng, chủ thể nào sử dụng cũng như nhau, và việc hạn chế lưu chuyển thông tin, dữ liệu này là chưa phù hợp và rất khó để kiểm soát. 

Đọc thêm