Chọn 'nói thẳng mất lòng' hay 'ai làm việc nấy' trong làng giải trí?

(PLO) - Làng giải trí có một quy luật “bất thành văn”, đó là không khen nhau thì thôi, ai làm việc nấy, đừng đụng chạm vào chuyên môn của nhau. Nhưng vẫn có không ít nghệ sĩ “há giao kèo” để nói thẳng, và chuốc vào vô số rắc rối. Liệu những lời nói trực diện ấy có cần thiết cho một làng giải trí lắm chiêu, nhiều sắc màu? 
Showbiz Việt cần những người có cá tính mạnh mẽ, dám nói thẳng như thế.
Showbiz Việt cần những người có cá tính mạnh mẽ, dám nói thẳng như thế.

Chê dù có tâm vẫn bị ném đá

Mới đây, danh ca Thanh Lam lại một lần nữa gây sốt dư luận khi nói rằng nhiều nghệ sĩ miền Nam “ít học hành nhưng vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông”. Phát ngôn nay đã khiến Thanh Lam bị “ném đá” dữ dội, cũng như gây ra nhiều luồng tranh luận trong làng giải trí. Đa phần dư luận và nhiều người trong nghề, đặc biệt là nghệ sĩ phía Nam khá bức xúc, cho rằng Thanh Lam ngạo mạn, coi thường đồng nghiệp,  làm nổi, gây chú ý… Không ít người, trong đó có nghệ sĩ, tuổi không còn trẻ, đã phản háo Thanh Lam bằng những lời lẽ hết sức cay nghiệt, thậm chí moi móc chuyện đời tư của nữ ca sĩ nhằm “dìm” nữ ca sĩ.

Thế nhưng, giữa dư luận ầm ĩ, nhiều nghệ sĩ, nhà phê bình âm nhạc vẫn đủ bình tĩnh để nhìn nhận một cách khách quan lời của Thanh Lam phát biểu: Thanh Lam không chê bai nghệ sĩ hay nghệ sĩ miền Nam nói riêng, cái mà Thanh Lam nói đến, là một thực trạng đang tồn tại trong showbiz Việt hiện nay: Nghệ sĩ “bỏ rơi” việc trau dồi kĩ năng, kiến thức chuyên môn, chỉ chăm chăm tận dụng các chiêu trò để nổi tiếng, thu hút khán giả, nhận show, làm giàu… Đó là một sự thật, cái sai duy nhất của Thanh Lam là nói huỵch toẹt vào sự thật ấy bằng một ngôn ngữ quá thẳng thắn, không giảm tránh, khiến “động chạm” đến rất nhiều gương mặt nổi tiếng có, làng nhàng có của làng giải trí, trong đó có cả những đàn em thân thiết của Thanh Lam.

Cũng phát ngôn quá thẳng khiến dư luận ồn ào, đồng nghiệp ném đá mới đây còn có Tùng Dương. Khi Tùng Dương hát biểu “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi”, anh đã vấp Phải sự chỉ trích dữ dội từ dư luận và đồng nghiệp, đặc biệt những người yêu bolero, những nghệ sĩ hát dòng nhạc bolero.

Người ta chỉ trích anh, nhưng không nhìn sâu vào những điều Tùng Dương nói, để thấy rằng sau những câu chữ có phần đụng chạm, phán xét ấy, anh khá có lý và có tâm. Chẳng phải thị trường âm nhạc gần đây đang có một đợt “cuồng bolero” khi nhà nhà bolero, người người bolero, ca sĩ già, trẻ, thuộc các dòng nhạc khác nhau đều “thử” bolero để chiều lòng khán giả, không đứng ngoài xu thế. Chỉ riêng một bài hát bolero như Duyên phận, có đến hơn chục nghệ sĩ cover, trong đó không ít nghệ sĩ tên tuổi. Rồi game show, rồi phim ca nhạc… Cả những nghệ sĩ trẻ măng, mới vào nghề, chất giọng không phù hợp vẫn chọn bolero, con đường dễ, bởi là xu thế. Mà như thế, chìm đằm trong âm nhạc xưa cũ, lười sáng tạo cái mới, thì chẳng phải một sự thụt lùi là gì?

Chọn lên tiếng hay im lặng?

Thực ra, trong số rất nhiều người ném đá Thanh Lam, Tùng Dương và nhiều nghệ sĩ phát ngôn thẳng đến mức gây sốc, ít ai chịu đọc và hiểu kĩ những ý tứ mà các nghệ sĩ muốn nói. Người ta chửi khi mới đọc tít một bài báo, một câu trích dẫn, vài lời truyền miệng. Người ta chửi khi mới chạm đến cái vỏ của ngôn từ, hoặc giả những câu nói thẳng thật cũng chỉ là cái cớ để nhiều người giải tỏa nỗi ấm ức, tị hiềm hoặc cả tự ti. Không ít người, thấy được rõ vấn đề, mà vẫn ném đá, vì thiên hạ ai cũng thế.

Trong làng giải trí có không ít nghệ sĩ gạo cội, họ đủ trưởng thành trong nghệ thuật để nhận ra những vấn đề còn tồn tại của showbiz Việt, nhưng họ chọn cách im lặng, vì nhiều lý do, vì biết có nói ra cũng chẳng được gì, vì không muốn đánh mất hình ảnh thân thiện của bản thân, thành tâm bão, hoặc đơn giản, là tuân thủ cái quy tắc ngầm, không đụng chạm đến đàn em, những người phải tiếp xúc hàng ngày. Nên, Đàm Vĩnh Hưng cứ hát mọi thể loại nhạc có trên đời, Lệ Quyên cứ “tiến công” vào nhạc cách mạng, tiền chiến, rồi Thủy Tiên cũng dấn thân vào thử ra album bolero sau khi hát chán nhạc dance… Chuyện ai nấy làm, không ai chạm vào bát cơm của ai.

Mỗi người chọn cho mình cách ứng xử trong nghệ thuật. Nhưng làng giải trí dường như đang không sòng phẳng khi không chấp nhận những tiếng nói nghịch ý, không thuận tai, dù là thẳng, là thật. Thanh Lam, Tùng Dương, Lê Minh Sơn, hay trước đây là cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vì nói thật mà “vạ miệng”, nhưng showbiz Việt cần những người có cá tính mạnh mẽ, dám nói thẳng như thế. Dù bị ném đá, bị tẩy chay, thì ít ra họ cũng đã cất tiếng nói trực diện, đánh động về một thực trạng. Vài người có thể lảng tránh, khỏa lấp, “cả vú lấp miệng em”, nhưng số ít người khác sẽ thấy, sẽ đồng tình. Cái sai, cái dở, nếu mặc nhiên cho là chuyện thường, nếu người vạch ra cái dở bị “tấn công”, đó mới chính là điều đáng buồn trong nghệ thuật vậy.