Hai dự án nhiệt điện của PVN chậm tiến độ hàng trăm ngày

(PLO) - Từ khóa “chậm tiến độ” gần đây được nhắc nhiều tại một số dự án nhiệt điện của PVN. Thậm chí, có dự án buộc phải đổi chủ do Tập đoàn này “đắp chiếu” nhiều năm, khiến phía địa phương không thể nào chịu nổi. 
Nhiệt điện Long Phú 1 khởi công năm 2011, đến nay bị chậm tiến độ khoảng... 400 ngày
Nhiệt điện Long Phú 1 khởi công năm 2011, đến nay bị chậm tiến độ khoảng... 400 ngày

Dây, cột nằm chờ... điện 

Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang được PVN triển khai đầu tư ở Sóc Trăng và Hậu Giang. Cả hai dự án đều có công suất 1.200 MW, là hai dự án trọng điểm thuộc quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được phép áp dụng cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng. 

Nhưng hiện nay, hai dự án trên đều đứng trước nguy cơ bị “lụt” tiến độ, trong đó Nhiệt điện Long Phú đã qua nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Cụ thể, dự án khởi công lần đầu vào tháng 1/2011, với dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy 2 vào đầu năm 2015. 

Sau đó, tiến độ vận hành của Dự án Nhiệt điện Long Phú đã phải điều chỉnh, với tổ máy 1 sẽ vận hành vào năm 2015 và Tổ máy 2 vận hành trong năm 2016. Nhưng, lại một lần nữa kế hoạch vận hành trên lại phải thay đổi khi lùi đến tận cuối năm 2018 - 2019 mới có thể phát điện thương mại. 

Kế hoạch xây dựng và vận hành liên tục thay đổi để tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành dự án nhưng theo báo cáo vào tháng 3/2018, thì dự án này đang thi công chậm so với kế hoạch đề ra tới... 400 ngày. 

Như vậy, theo tiến độ hiện nay, Long Phú chỉ có thể đưa vào vận hành tổ máy số 1 sớm nhất vào khoảng tháng 9/2019. Những lý do giải thích cho việc chậm tiến độ bao gồm: mua sắm chậm, thi công xây lắp chậm và… thiết kế cũng chậm. 

Đáng nói hơn, hệ thống truyền tải điện quốc gia đấu nối từ Dự án Nhiệt điện Long Phú đã được hoàn thành, chỉ chờ nhà máy này phát điện là miền Nam đã có thể có thêm nguồn điện, nhưng thực tế hệ thống truyền tải vẫn phải nằm chờ điện.  

Gây mất lòng tin với địa phương 

Gần đó, Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng không khả dĩ hơn khi mới đây, Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ rõ, PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỷ đồng do dự án đầu tư chậm tiến độ. 

Dự án nguồn điện này được khởi công xây dựng át điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu vào tháng 9/2017, cho thấy dự án này bị chậm tiến độ 25,65%, tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.

Không quá khi nói rằng, việc chậm tiến độ dự án đang là vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của PVN; thậm chí, nó gây mất lòng tin đối với địa phương - nơi Tập đoàn này triển khai việc đầu tư các dự án.  

Còn nhớ, câu chuyện Nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình) cách đây hai năm, đã khiến lãnh đạo tỉnh này phải “lắc đầu”, bởi sau năm năm khởi công dự án với tổng đầu tư xấp xỉ 2 tỷ USD, chủ đầu tư trên thực tế chỉ làm tốt phần... lễ động thổ, sau đó im lìm suốt nhiều năm. 

Mặc dù tỉnh Quảng Bình khi đó đã tích cực bàn giao toàn bộ mặt bằng, nhưng PVN sau đó chỉ giải ngân được 564 tỷ đồng, với việc hoàn thành được 68% cơ sở hạ tầng; ngoài ra, chưa thấy bất kỳ một hạng mục nào của nhà máy điện được triển khai xây dựng. Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch sau đó buộc phải đổi chủ, chuyển sang cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. 

Số vốn hơn 500 tỷ đồng PVN  “đổ” vào Quảng Trạch không biết sẽ được hoàn trả như thế nào, nhưng việc đội vốn hơn 10.000 tỷ ở Sông Hậu là hậu quả đã thấy ngay trước mắt. Trong khi đó chưa thấy người phải chịu trách nhiệm về việc “nở” to tổng mức đầu tư và “kéo lê” tiến độ dự án từ năm nay sang năm khác đối với các dự án điện ở PVN.

Gần đây, lãnh đạo PVN đã liên tục có các cuộc làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh đều cho biết đã và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hai dự án hoàn thành với tiến độ sớm nhất. Ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó Tổng Giám đốc PVN, phụ trách 2 dự án nhiệt điện nói trên đã thông tin chi tiết về tình hình các dự án, những khó khăn khiến dự án bị chậm tiến độ và phương án giải quyết. Cũng như tỉnh nghèo Quảng Bình trước đó, hai tỉnh miền Tây Nam bộ nói trên cũng từng ngày dõi theo dự án, nhưng chưa biết chính xác ngày nào sẽ “cán đích”. 

Đọc thêm