“Kế sách” nào để sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả?

(PLO) - Hiện nay, tình trạng suy thoái đất lâm nghiệp đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn tới khoảng 24 triệu người dân sống dựa vào rừng. Do đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cần phải tìm ra giải pháp căn cơ tạo ra nguồn sống bền vững cho người làm rừng.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Theo TCLN, năm 2016 diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn quốc được thống kê là khoảng 1,3 triệu ha, chiếm 4% diện tích lãnh thổ. Tuy nhiên, tổng diện tích có vấn đề cần được quan tâm có thể lên tới khoảng hơn 10 triệu ha. 

Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&HTQT, TCLN lo ngại: diện tích đất suy thoái đang diễn ra với nhiều đối tượng khác nhau, nhưng chủ yếu là trên diện tích đất nông nghiệp. Trong đó riêng diện tích rừng bị suy thoái được ghi nhận cũng đã lên tới 125,8 nghìn ha. Việc suy thoái đất lâm nghiệp được cho là sẽ gây ảnh hưởng tới khoảng 24 triệu người dân sống dựa vào rừng. 

Một thống kê khác của TCLN cũng cho thấy, cả nước đang có 1,1 triệu chủ rừng quản lý khoảng 7,1 triệu ha rừng, trong đó cộng đồng quản lý tới gần 3 triệu ha rừng. Trong bối cảnh như hiện nay, đang đặt ra cho ngành lâm nghiệp phải tìm ra giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa ngành lâm nghiệp và nâng cao vai trò của cộng đồng giúp họ trở thành chủ nhân đích thực để họ tự quản lý và sử dụng đất hiệu quả nhất, bền vững nhất.  

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng TCLN, quản lý đất lâm nghiệp bền vững không chỉ tạo nên sinh kế bền vững cho người dân mà còn đảm bảo an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Do đó, cần phải sớm tìm ra giải pháp tạo ra nguồn sống bền vững cho người làm rừng.

Theo TS. Phạm Thu Thủy, Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR): Mất rừng và suy thoái rừng đã đang đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa tại Việt Nam. Nguyên nhân là do giá trị chi trả dịch vụ môi trường rừng còn quá thấp, chưa tạo được động lực cho người dân tham gia bảo vệ rừng. 

Để hạn chế việc mất rừng và suy thoái rừng, bà Thủy cho rằng, cần phát triển các kỹ thuật lâm sinh phục vụ đa mục đích như cải thiện sinh kế, thương mại, bảo tồn; xây dựng và phát triển thị trường liên quan đến các sản phẩm lâm sản và lâm sản ngoài gỗ từ rừng tại vùng khô hạn; cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách liên quan đến sử dụng, quản lý đất tổng hợp bền vững. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính cho quản lý rừng bền vững tại vùng khô hạn. Và xây dựng cho được chính sách thu hút đầu tư phát triển lâm nghiệp từ các thành phần kinh tế tại các vùng khô hạn, nâng cao năng lực cho cộng đồng quản lý rừng.

TS. Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chỉ ra việc xử lý thực bì, vật liệu hữu cơ sau khai thác, làm đất, sử dụng phân bón, quản lý cỏ dại, khai thác gỗ... chưa đúng kỹ thuật đã đang gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến lập địa trồng rừng, gây nguy cơ xói mòn cao, đặc biệt là các mô hình trên đất dốc. 

Để khắc phục, ông Đồng  cho rằng, cần thúc đẩy thực hiện quản lý rừng bảo vệ rừng và chứng chỉ rừng, đồng thời đưa nội dung quản lý lập địa bền vững vào nguyên tắc của quản lý rừng bảo vệ rừng. Cần có sự chuẩn bị và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước trong nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý rừng bảo vệ rừng, thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ có chứng chỉ, tạo kênh thông tin về thị trường gỗ có chứng chỉ, thực hiện sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi... Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho chủ rừng, thúc đẩy nghiên cứu về chọn giống, kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng gỗ, quản lý lập địa bền vững, nâng cao giá trị rừng trồng.

Đọc thêm