Kon Tum: “Cát tặc” lộng hành trên sông Pô Kô

(PLO) - Nhiều đối tượng “cát tặc” ngang nhiên tổ chức hút cát giữa ban ngày từ lòng sông Pô Kô lên xe ben khiến đất đai, hoa màu của các hộ dân dọc hai bờ sông Pô Kô có nguy cơ sạt lở cao.
Ngang nhiên “rút ruột” hàng trăm m3 cát từ lòng sông Pô Kô. Ảnh: Du Nghĩa
Ngang nhiên “rút ruột” hàng trăm m3 cát từ lòng sông Pô Kô. Ảnh: Du Nghĩa

Phản ánh đến Đường dây nóng của Báo PLVN, nhiều độc giả là những người dân sinh sống tại địa phương bức xúc cho biết đoạn qua thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng ngang nhiên xây nhà bên bờ sông Pô Kô để tổ chức hút cát khiến dư luận hết sức quan ngại. Việc hút cát trái phép sẽ gây ra tình trạng sạt lở đất đai, hoa màu dọc bờ sông. Nhiều diện tích đất của bà con cũng đã bị cuốn trôi, mà nguyên nhân chủ yếu do tình trạng khai thác cát.

Khi phóng viên về xã Đăk Nông để xác minh thông tin trên thì được rất nhiều người dân tình nguyện đưa đi nắm tình hình dọc bờ sông Pô Kô, đoạn qua thôn Kà Nhảy. Ghi nhận tại hiện trường, nằm sát với QL14, con đường đất ướt lầy lội do xe ben chở cát liên tục ra, vào. Người dẫn đường cho biết, đây là cát được hút trực tiếp từ lòng sông Pô Kô lên thẳng xe, nên khi chở đi nước vẫn chảy ròng ròng xuống đường.

Theo quan sát của PV, bên dòng sông Pô Kô, một ngôi nhà được xây kiên cố, bên dưới một số đối tượng đang thực hiện việc hút cát lên xe ben, nước vẫn chảy lênh láng. Khi thấy bóng dáng của người lạ, chủ mỏ cát tên Hoán cùng một người đàn ông nữa xuống tháo ống bơm và đưa lên bờ.

Người dẫn đường cho biết, khi bị bắt quả tang các đối tượng này sẽ tạm dừng nghỉ, ít hôm sau lại hoạt động trở lại. Cũng có thể hoạt động vào buổi chiều tối và buổi sáng sớm. Vài hôm sau, chúng tôi trở lại điểm khai thác cát này, điều khá bất ngờ là chủ nhân của nó đã cho xây 2 trụ bê-tông nhằm ngăn cản người lạ xâm nhập vào mỏ cát. Nhiều đêm sau đó, chúng tôi vẫn ghi nhận được chủ mỏ cát đã lén lút khai thác cát để bán kiếm lời.

Một người dân gần đó khẳng định, hàng ngày có khoảng hơn 10 chiếc xe ben ra, vào chở cát. Mỗi xe chở được khoảng 6m3 và chủ mỏ thu mỗi xe với giá 500.000 đồng. Khi cát về được đến tay người dân thì giá được đẩy lên từ 200.000-300.000 đồng/m3. Chính vì vậy, nhiều chủ mỏ đã bất chấp “lệnh cấm” và ngang nhiên “rút ruột” lòng sông Pô Kô.

Không chỉ tại điểm khai thác này, dọc đoạn sông Pô Kô có không dưới 5 mỏ đang khai thác cát trái phép. Như vậy cũng có thể thấy, mỗi ngày tại các điểm khai thác cát này đã có hàng trăm m3 cát lậu được các đối tượng khai thác, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia. Người dân lo ngại, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, một ngày không xa nhiều diện tích đất và hoa màu của người dân sẽ bị cuốn trôi theo sông.

Khi thu thập các chứng cứ ghi nhận tại hiện trường, PV đến phản ánh sự việc với ông Trần Văn Chí- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, ông Chí cho biết: “Thời gian qua huyện cũng đã tổ chức lực lượng lên bắt quả tang các đối tượng khai thác cát lậu và cũng đã thu máy về UBND xã Đăk Nông xử lý”.

Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Kon Tum thì cho biết: “Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi hiện vẫn chưa có một mỏ cát nào được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, lợi dụng giấy phép thăm dò, một số chủ mỏ đã ngang nhiên khai thác cát để trục lợi”.

Nhiều người dân khẳng định, các mỏ cát tồn tại và ngang nhiên hoạt động là có sự “bắt tay” giữa chủ mỏ và chính quyền địa phương. 

Có hay không việc chính quyền địa phương “bảo kê” cho các mỏ cát hoạt động? Để làm rõ vấn đề trên, PV Báo PLVN đã tiếp tục thâm nhập vào các mỏ cát lân cận và ghi nhận được nhiều sự thật mà ai cũng phải giật mình…

Đọc thêm