Nhìn lại sai phạm khi CPH Cảng Quy Nhơn: Bài 2 - Nguyên lãnh đạo tỉnh cũng bức xúc đâm đơn kiến nghị

(PLO) - Nhận định rằng vụ mua bán có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước, tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Cảng Quy Nhơn “ăn nên làm ra” bậc nhất miền Trung nhưng bị định giá 
“bèo bọt” khi cổ phần hóa
Cảng Quy Nhơn “ăn nên làm ra” bậc nhất miền Trung nhưng bị định giá “bèo bọt” khi cổ phần hóa

Giá bán “bèo bọt” 

Chiều 17/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chính thức công bố kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Quy Nhơn. Quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn diễn ra như thế nào?

Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó Cảng Quy Nhơn là cảng đầu mối khu vực (loại I), cảng tổng hợp quốc gia, là cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam.

Ngày 4/2/2013, Thủ tướng ban hành Quyết định số 276/QĐ- TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012- 2015, theo đó, giai đoạn 2012-2015 thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển, Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ tại 09 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

Cảng Quy Nhơn do Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn quản lý có 3 cầu cảng với tổng chiều dài là 824m (cầu 5.000 DWT được xây dựng trước năm 1975; cầu 10.000 DWT là bến nhô, xây dựng năm 1995; cầu 30.000 DWT xây dựng năm 2004). Khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ là 192,579 tỷ đồng do Vinalines sở hữu 100%.

Sau khi Thủ tướng có Văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013 cho phép CPH Cảng Quy Nhơn theo phương thức Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điêu lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ và Văn bản số 1652/TTg-ĐMDN ngày 8/9/2014 cho phép bán hết 49% vốn do Vinalines đang nắm giữ tại CTCP Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước; Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.

Giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2013 để cổ phần hóa là 513,823 tỷ đồng; nợ phải trả là 109,723 tỷ đồng; giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán là 192,579 tỷ đồng, giá trị thực tế vốn nhà nước xác định lại là 404,099 tỷ đồng, tăng 211,52 tỷ đồng so với giá trị trên sổ sách kế toán.

Tổng số cổ phần phát hành lần đầu là 40.409.950 cổ phần, trong đó: Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 30.307.462 cổ phần (75% vốn điều lệ), bán cho các nhà đầu tư 10.102.488 cổ phần (25% vốn điều lệ).

Ngày 12/9/2013, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức bán đấu giá cổ phần Cảng Quy Nhơn, giá đấu thành công: cao nhất là 20.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 12.200 đồng/cổ phần. Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại CTCP Cảng Quy Nhơn là 536,9 tỷ đồng.

Đây là một giá bán “bèo bọt”. Bức xúc trước sự việc này, tháng 8/2016, ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có đơn kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ vấn đề cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Trong đó, ông Thanh yêu cầu làm rõ 3 nội dung chính: Ai chủ trương cổ phần hóa để bán 100% cảng Quy Nhơn cho tư nhân? Ai xác định giá trị tài sản nhà nước nắm giữ tại cảng Quy Nhơn chỉ hơn 400 tỉ đồng? Có lợi ích nhóm, móc ngoặc để biến tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn hay không?

Xem xét trách nhiệm hàng loạt tổ chức, cá nhân

Thanh tra Chính phủ kết luận: Việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 (đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình, Bộ Chính trị đã thông qua), Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013, trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ. Việc Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm quy định của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Do đó 75,01% cổ phần mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước. Các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về xử lý trách nhiệm, với Bộ GTVT phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn. Đối với Vinalines cũng phải được kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. 

Đặc biệt Ban Chỉ đạo CPH và Tổ giúp việc, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Trưởng ban Chỉ đạo và Tổ trưởng Tổ giúp việc đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra. Về phía lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn trước đây nguyên Tổng Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng phải được xử lý khuyết điểm, vi phạm trong việc trích khâu hao TSCĐ không đúng quy định, dẫn đến giảm nguồn thu NSNN về thuế TNDN, giảm nguồn thu của Vinalines từ lợi nhuận trong giai đoạn thực hiện CPH.

Đối với Văn phòng Chính phủ: Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm. Đối với UBND tỉnh Bình Định, theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

Đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.  Các công ty tư vấn (ATC và CPA), các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc xác định GTDN để CPH, việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại CTCP cảng Quy Nhơn cũng phải được xử nghiêm.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại CTCP Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước, hủy bỏ các văn bản ban hành trái pháp luật liên quan đến CPH, thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn.

Việc CPH Cảng Quy Nhơn là bài học lớn để chặn đứng “nhóm lợi ích” tung hoành, kiếm chác trên lợi ích của Nhà nước.

Đọc thêm