Phân loại mã HS với mặt hàng "Cần trục bánh lốp": Doanh nghiệp nơm nớp lo phá sản

(PLO) - Nếu bị áp mã số hàng hóa (HS) 8705.10.00 là "xe cần cẩu", doanh nghiệp (DN) sẽ bị áp thuế 3%. Nhưng suốt 5 năm qua, các DN đều khai mã HS 8426.41.00 là “cần trục bánh lốp” với mức thuế 0%, hàng hóa đã  được thông quan và bán hết. Với giá trị từ vài tỷ, thậm chí loại lớn 500 tấn có giá lên tới gần 100 tỷ đồng, nhiều DN như “ngồi trên đống lửa” nếu bị truy thu thuế…
Nếu là máy móc, mặt hàng này có thuế suất 0%, nhưng nếu là ô tô, thuế suất là 3%
Nếu là máy móc, mặt hàng này có thuế suất 0%, nhưng nếu là ô tô, thuế suất là 3%

21 DN  chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực kinh doanh máy móc, thiết bị, ôtô và xe có động cơ khác vừa có kiến nghị "khẩn cấp"gửi Cục Kiếm tra văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp…

Vẫn chuyện áp mã thuế

Ngày 10/9/2018, Tổng cục Hải quan (TCHQ) ra Văn bản 5266/TCHQ-TXNK về việc phân loại cần trục bánh lốp gửi cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Theo đó, TCHQ cho rằng các loại cần trục bánh lốp có hai cabin riêng biệt (cabin điều khiển di chuyển phương tiện và cabin điều khiển cần trục) có kết cấu tương tự như ôtô cần cẩu được nêu tại Mục 3.4.2 của Tiêu chuẩn TCVN 7772: 2007 sẽ được phân loại theo mã HS 8705.10.00 là "xe cần cẩu" và chịu mức thuế suất 3%.

Hôm nay (18/10), TCHQ sẽ có buổi làm việc với các DN để trực tiếp lắng nghe ý kiến của DN, đồng thời sẽ có sự phân tích kỹ hơn về phân loại mặt hàng này. Từ đó, TCHQ sẽ có đề xuất với Bộ Tài chính để xử lý những vướng mắc cho DN. 

Tuy nhiên, các DN cho biết, trong nhiều năm qua, DN tuân thủ theo quy định của Thông tư 13/2015/TT-BGTVT về việc kê khai mã HS đối với mặt hàng "cần trục bánh lốp" và Mục 3.4.1 của TCVN 7772:2007 về đặc điểm hàng hoá (mã HS 8426.41.00).

"Việc kê khai mã số hàng hoá như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của Thông tư 13/2015/TT-BGTVT. Đồng thời trong quá trình thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan cũng không có ý kiến nào khác liên quan đến việc DN kê khai mặt hàng "cần trục bánh lốp" có mã HS 8426.41.00…”- các DN khẳng định.

Trong văn bản “kêu cứu”, các DN cũng cho rằng phải đến Thông tư 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ GTVT, mặt hàng “Cần trục bánh lốp” mới được phân loại thành hai mã HS (gồm mã 8705.10.00 và 8426.41.00) tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại. Do vậy, hiệu lực áp dụng kê khai thuế phải từ ngày 15/9/2018 (ngày Thông tư có hiệu lực).

Về phía TCHQ, trong Văn bản 5267/TCHQ-TXNK ngày 10/9/2018 trả lời một DN, khẳng định: Việc Bộ GTVT phân loại hàng hóa trên cơ sở TCVN là để phục vụ mục đích quản lý chuyên ngành. TCHQ phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa (Theo Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam) làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa theo quy định tại Luật Hải quan…”.

Doanh nghiệp hoang mang…

Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp, DN khẳng định “việc DN phân loại mã số hàng hóa không đúng với yêu cầu của TCHQ là do sự khác biệt về cách thực thi văn bản pháp luật của hai cơ quan Bộ Tài chính và Bộ GTVT” và đề nghị “Các cơ quan này cần phải phối hợp với nhau để đưa ra hướng xử lý phù hợp đảm bảo quyền lợi cho DN”. DN cũng cho rằng phương pháp xử lý phù hợp là phải có sự thống nhất về cách áp dụng pháp luật để DN có cơ sở thực thi chứ không phải tiến hành rà soát và quy trách nhiệm về DN là có hành vi khai sai mã số hàng hóa.

Về góc độ kinh tế, DN cho rằng việc TCHQ yêu cầu rà soát lại việc áp mã hàng hóa với mặt hàng hóa "cần trục bánh lốp" đối với DN dẫn tới việc truy thu 3% thuế nhập khẩu (NK) sẽ gây khó khăn cho DN. Bởi lẽ việc truy thu thuế không chỉ bao gồm 3% thuế NK mà còn là 20% tiền truy thu khi DN tự đóng trước khi có quyết định xử phạt hành chính, 100% tiền truy thu nếu đóng sau khi có quyết định xử phạt mà còn bao gồm khoản tiền phạt chậm nộp thuế cho số tiền truy thu tính từ năm 2013 đến nay. Việc này sẽ đẩy các DN vào tình cảnh khó khăn về tài chính, thậm chí là dẫn đến phá sản do phải gánh chịu một khoản thuế quá lớn.

Các DN cũng cho rằng có rất nhiều DN nước ngoài NK cần trục bánh lốp vào Việt Nam để khai thác. Sau khi hết dự án, họ giải thể về nước, bán thiết bị nên khó hoặc không bị truy thu thuế.

Ngoài ra, các DN cũng cho biết, trong 5 năm qua các DN NK, kinh doanh, mua bán, khai thác cần trục bán lốp không có sự tăng trưởng vượt bậc so với các ngành khác. Thêm vào đó, trong lĩnh vực này, do mặt hàng cần trục bánh lốp 2 cabin là mặt hàng phục vụ cho xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng, nếu áp thuế 3% sẽ dẫn tới tăng giá trị hàng hoá, từ đó tăng giá đầu vào với ngành xây dựng, giao thông… khiến giá bị đẩy lên cao. Việc truy thu thuế đồng loạt với các DN sẽ gây tâm lý hoang mang trong DN, ảnh hưởng tới những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh...

“Do đó, chúng tôi cho rằng việc TCHQ đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố rà soát và thực hiện phân loại các mặt hàng cần trục bánh lốp có hai cabin riêng biệt đối với DN là không phù hợp với thực tế tuân thủ pháp luật của DN và thực tế thực thi pháp luật của Bộ Tài chính và Bộ GTVT”- một DN khẳng định. 

Ô tô hay máy móc?

Theo ý kiến của DN, trong trường hợp DN căn cứ theo Công văn 5266 của TCHQ để xác định đặc điểm của hàng hoá là ôtô cần cẩu được nêu tại Mục 3.4.2 của TCVN:7772:2007, mặt hàng mà các DN này NK lại không phải là loại hàng hoá như TCHQ đã nhận định vì xe cần cẩu hay ôtô cần cẩu là loại xe ô tô có gắn cần cẩu, có chassis là ôtô thương mại khi lưu hành phải tuân thủ các quy định dành cho ôtô tải và phải đăng ký với cơ quan công an phải gắn biển kiểm soát…

Nhưng mặt hàng "cần trục bánh lốp" mà các DN NK là chassis nguyên khối chuyên dùng chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp, mỗi khi di chuyển phải tháo rời, phải xin giấy phép đặc biệt. Mặc khác, nếu phân vào mã “ô tô cần cầu”, theo quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của “ô tô cần cầu” không được quá 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm NK. Nhưng thực tế mặt hàng DN NK không có giới hạn thời gian sử dụng…

Đọc thêm