PVC Duyên Hải: Nhập nhèm việc bổ nhiệm nhân sự

(PLO) - Theo quy định pháp luật, Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Duyên Hải (PVC Duyên Hải) có vốn nhà nước chiếm khoảng 95% thì Chủ tịch HĐQT không được giữ chức danh Giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, ông Nguyễn Doãn Luyện được giao cho cả hai chức danh trên cộng thêm trọng trách Bí thư chi bộ.
Trụ sở Công ty PVC Duyên Hải
Trụ sở Công ty PVC Duyên Hải

Một năm lỗ hơn 30 tỷ đồng

Theo đơn kiến nghị của các cán bộ, người lao động, Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Duyên Hải (viết tắt là PVC Duyên Hải, trụ sở tại 441 Đà Nẵng, Hải An, Hải Phòng) được thành lập tháng 7/2010 với cổ đông là các Tổng Công ty lớn trong ngành Dầu khí như Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (42,7%), Công ty CP Cảng Dịch vụ dầu khí Đình Vũ (20,5%), Công ty CP Chứng khoán dầu khí (13,7%)...; còn lại cán bộ, người lao động và các cổ đông nhỏ lẻ khác (hơn 3%).

Từ khi thành lập đến tháng 12/2016, PVC Duyên Hải hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ khoảng gần 60 tỷ đồng. Quãng thời gian này, PVC Duyên Hải được thay đổi 5 đời Giám đốc và 4 đời Chủ tịch HĐQT. Đến tháng 7/2016, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (viết tắt là PVC, đại diện 42% vốn cổ phần) tiếp tục chỉ định ông Nguyễn Doãn Luyện giữ chức danh Giám đốc kèm Chủ tịch HĐQT để “vực” doanh nghiệp khỏi bờ vực thẳm. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì năm 2016, PVC Duyên Hải kinh doanh thua lỗ 34,6 tỷ đồng. 

Tháng 7/2016, ông Luyện được bổ nhiệm Giám đốc PVC Duyên Hải. Đến tháng 11/2016, ông này tiếp tục được giao trọng trách Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư chi bộ. Điều này hoàn toàn trái quy định pháp luật bởi theo Luật Doanh nghiệp, PVC Duyên Hải có vốn nhà nước chiếm dưới 99% thì Chủ tịch HĐQT không được giữ chức danh Giám đốc doanh nghiệp. 

Theo phản ánh của người lao động tại doanh nghiệp, từ khi nắm quyền, ông Luyện đã cắt giảm lương, giảm biên chế và thậm chí còn nợ bảo hiểm xã hội của người lao động - tiền lệ chưa có từ trước đến nay. Ông Phạm Quang Nhã (từng làm bảo vệ tại PVC Duyên Hải) đã về hưu từ tháng 5/2017 nhưng đến nay chưa được nhận được một đồng lương hưu cho biết: “Tôi đã lên BHXH quận Hải An để hỏi cho ra nhẽ thì được biết từ đầu năm nay, Công ty chưa đóng bảo hiểm cho hầu hết các cán bộ. Đem câu hỏi này lên gặp ông Luyện thì ông này cam kết sẽ giải quyết chế độ cho tôi trong tháng 10/2017”. Tuy nhiên, ông Nhã không phải là trường hợp duy nhất bị nợ BHXH mà tất cả người lao động, cán bộ tại đơn vị đều chưa được đóng BHXH tính từ tháng 2/2017 đến nay. 

Về điều này, ông Nguyễn Doãn Luyện, Chủ tịch HĐQT PVC Duyên Hải cho hay, hiện DN tập trung toàn bộ nguồn tiền cho các công trình xây lắp nên trong vòng tháng 10, tháng 11 tới sẽ thanh toán toàn bộ khoản tiền nợ đọng cho phía cơ quan bảo hiểm. Cam kết trên theo ông Luyện là đã lập thành biên bản làm việc giữa DN và phía BHXH, tuy nhiên, ông từ chối cung cấp.

 Lo lắng cho số phận của mình, nhiều cán bộ, người lao động đã gửi đơn thư kiến nghị về PVC, Tập đoàn Dầu khí. Tháng 6/2017, Tập đoàn đã cử một tổ xác minh về đơn vị để làm rõ các nội dung kiến nghị trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xác minh đơn thư hoàn thành đã lâu nhưng đến nay chưa thấy công bố kết quả khách quan cho phía người lao động.

Xô xát với nhà thầu!

Để “cứu” PVC Duyên Hải, từ năm 2016 đến nay, PVC cho phép PVC Duyên Hải thi công một số gói thầu. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Luyện không tổ chức cho người lao động, kỹ sư trong đơn vị thi công xây dựng mà lại đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp xây dựng khác.  

Tháng 8/2016, PVC ký Hợp đồng số 158/2016/HĐTC/HVAN-PVC giá trị 121 tỷ với Học viện An ninh nhân dân (Hà Nội) để thi công xây dựng khối nhà quốc tế và hệ thống điện nước (thuộc Dự án khu đào tạo quốc tế của Học viện). Đến tháng 12/2016, PVC đã ký Hợp đồng số 49/2016/HĐTC/PVC/PVC-DH với PVC Duyên Hải để giao cho đơn vị này thi công công trình với giá hợp đồng là hơn 100 tỷ đồng (tương đương với 80% giá trị hợp đồng). Trong khi đó, PVC Duyên Hải hiện đang âm vốn và không có trang thiết bị để có thể làm các gói thầu. 

Điều 14 của Hợp đồng số 158 nói trên quy định rõ: “Bên nhận thầu không được giao lại toàn bộ công việc theo Hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện, giá trị khối lượng do nhà thầu phụ đảm nhiệm không được vượt quá 20% giá trị hợp đồng”. Như vậy, có thể khẳng định việc ký kết hợp đồng xây dựng nói trên giữa PVC và PVC Duyên Hải không đủ căn cứ pháp lý. 

Biện hộ cho sai phạm trên, ông Luyện lại khẳng định PVC Duyên Hải là đơn vị thành viên của PVC nên không phải là thầu phụ. Điều này chỉ có lý khi PVC nắm giữ 51% vốn cổ phần của PVC Duyên Hải. Tuy nhiên, trên thực tế, PVC chỉ nắm giữ 42% vốn cổ phần, do đó, PVC Duyên Hải không phải là đơn vị thành viên của PVC mà chỉ là đơn vị liên kết. 

Ngoài ra, khi được giao triển khai gói thầu Hệ thống cấp nước ngọt thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Thái Bình) giá trị 70 tỷ, ông Luyện đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải An Phú để thi công một số phần việc với giá trị 5 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải An Phú cho biết, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp mới được tạm ứng 1,7 tỷ đồng trong khi Công ty đã thực hiện được khối lượng công việc tương đương 4 tỷ đồng. Số nợ còn lại, nhà thầu rất nhiều lần đến PVC Duyên Hải để đòi nợ nhưng chỉ nhận được những lời “hứa” suông. Nhiều lần hai bên đã xảy ra xô xát. Ông Lê cho biết, nếu không đòi được khoản nợ trên để thanh toán tiền lương cho công nhân, doanh nghiệp sẽ khởi kiện PVC Duyên Hải ra tòa.  

Đọc thêm