25% doanh nghiệp kêu khó khi kiểm tra chuyên ngành

(PLO) - Đó là thông tin được đưa ra tại phiên họp lần thứ 3 diễn ra ngày hôm qua (9/1) của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh cho hay, năm 2017 thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ xuống 55 giờ; hàng nhập khẩu giảm 6 giờ xuống 56 giờ. Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD (xuất, nhập khẩu) tính tới 15/12/2017. Theo tính toán, doanh nghiệp (DN) tiết kiệm hơn 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai thủ tục thông quan; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ lưu kho bãi hàng nhập khẩu.

Qua khảo sát mức độ hài lòng của DN về hải quan và triển khai cơ chế một cửa quốc gia, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành - theo giá chung thì 25% DN khẳng định: hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% bình thường và chỉ 8% cho biết dễ, rất dễ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2018 phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Các bộ, ngành phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 – 35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp tục rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo; bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu. Đồng thời, danh mục kiểm tra chuyên ngành ngay tại khâu thông quan phải được thu hẹp và chuyển sang quản lý rủi ro, hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành...

Đọc thêm