Bộ Tư pháp tìm hiểu, ghi nhận kinh nghiệm quý về quản lý tiền ảo từ các luật sư và chuyên gia

(PLO) - Chiều 12/6, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc nghe các chuyên gia trình bày các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo. Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng cùng các Thứ trưởng học hỏi kinh nghiệm quản lý tiền ảo
Bộ trưởng cùng các Thứ trưởng học hỏi kinh nghiệm quản lý tiền ảo

Công nghệ mới với toàn cầu

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh sự cần thiết của buổi làm việc này để Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Vì vậy, đích thân Bộ trưởng và các Thứ trưởng cùng dự đã lắng nghe và đặt rất nhiều câu hỏi cho các chuyên gia với mong muốn tìm hiểu, học hỏi về vấn đề vô cùng mới mẻ này như những “học viên thực thụ”.

Theo giới thiệu của Bộ trưởng, các chuyên gia trình bày gồm TS Đặng Minh Tuấn (Vietkey Group, giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Giám đốc Blockchain Research Center QNET, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech/Hiệp hội Ngân hàng), Luật sư Manfred Otto (Công ty TNHH Duane Morris Vietnam) và Luật sư Nguyễn Đình Phương Thảo (Công ty IBL - Infinity Blockchain Labs).

Trình bày tổng quan về blockchain (công nghệ chuỗi khối), TS Đặng Minh Tuấn cho biết hiện có 2 mô hình là tập trung và phân tán (bockchain). Với mô hình tập trung thì dữ liệu, hệ thống, quản trị sẽ tập trung tại một điểm. Như thế, sẽ dẫn đến rủi ro “nghẽn cổ chai”, dễ bị tấn công từ chối dịch vụ, hacker xóa dữ liệu; hệ thống không minh bạch, không chứng minh được tính minh bạch, khả năng lạm dụng, sửa xóa dữ liệu, tham nhũng. Còn với mô hình phân tán, dữ liệu, hệ thống, quản trị sẽ phân tán lưu trữ tại tất cả các điểm. Dù hệ thống vận hành tự động, không có người quản trị, phân xử dữ liệu nhưng dữ liệu rất khó bị phá hủy hay sửa đổi vì cần phải sửa đổi trên tất cả các nút; dữ liệu cũng minh bạch, hạn chế lạm dụng và tham nhũng, tiêu cực của hệ thống vận hành.

Theo ông Tuấn, blockchain là phát minh quan trọng nhất của nhân loại kể từ khi có internet. Đây là làn sóng điện toán lần thứ 5 và lần đầu tiên trong 9 năm, blockchain là giá trị có sự đột biến 200 triệu lần. Ông Tuấn quan niệm, nếu như rất nhiều lĩnh vực khác sẽ không có hoặc có rất ít cơ hội để Việt Nam có thể tham gia và gặt hái thành công thì với blockchain, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thành công vì cả thế giới đều chỉ mới bắt đầu. 

Ông Tuấn ví von, với chính sách “khoán 10”, nước ta từ một nước đói nghèo đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, tức là phải có chính sách phù hợp. Trên cơ sở đó, ông Tuấn tha thiết mong muốn Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng, trình ban hành khung pháp lý cho tiền ảo như “khoán 10” để Việt Nam bứt phá được, đón đầu cơ hội trong lĩnh vực này. Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của anh em làm blockchain, ông Tuấn khẳng định đội ngũ làm blockchain rất cần những chính sách khuyến khích phù hợp, chứ không phải cần những hỗ trợ nào quá đặc biệt. 

Nhiều kinh nghiệm quý về quản lý tiền ảo

Chia sẻ những trăn trở của Việt Nam trong quá trình tìm ra khái niệm pháp lý để định danh được tiền ảo, Luật sư Manfred Otto đã nêu một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý tiền ảo. Tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, tiền ảo là hàng hóa. Nhật Bản ban hành đạo luật dịch vụ thanh toán năm 2016, có quy định về tiền ảo, coi đây là phương tiện thanh toán, quản lý giao dịch tiền ảo thông qua sàn giao dịch, phát hành tiền ảo ban đầu ra công chúng (ICO) có kiểm soát và đăng ký… Còn nhiều nước thì cấm giao dịch tiền ảo, cấm ICO, cấm đào bitcoin..., trong đó có Việt Nam (theo quy định hiện hành tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung) thì tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp). 

Cảnh báo một trong những rủi ro hiện nay là chuyển tiền thật thành tiền ảo rồi chuyển ra nước ngoài, Luật sư Otto gợi ý Việt Nam có thể cân nhắc một giao dịch giá trị nhỏ, khoảng từ 20 triệu trở lên chẳng hạn thì có thể cho phép giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước khác đều bất đồng quan điểm trong việc cho phép hay không cho phép phát hành tiền ảo ra công chúng và đó cũng là vấn đề, Việt Nam sẽ đối diện trong hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo. Đồng thời, ông Otto cho rằng, Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua sẽ có ảnh hưởng đến giao dịch về tiền ảo, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có lo lắng liên quan đến kiểm soát vốn, thị trường tiền ảo ra nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Đình Phương Thảo giới thiệu cụ thể hơn về kinh nghiệm của Hồng Kông, Singapore, Thụy Sỹ, Malaysia. Theo đó, Hồng Kông coi tiền điện tử là một loại tài sản ảo, có cả một ủy ban chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với loại tiền này. ICO tại Hồng Kông có các hình thức như cổ phần, trái phiếu, ủy thác đầu tư. Singapore cũng quản lý tiền ảo tương tự Hồng Kông, đồng thời lập một quỹ kiểu như quỹ đầu tư mạo hiểm đối với tiền ảo. Tại Thụy Sỹ, có một số quy định tạo thuận lợi cho công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền ảo (cho phép nhà đầu tư rút tiền nếu thấy dự án không minh bạch) nhưng yêu cầu phải “đặt cọc” một khoản tiền nhất định... 

Đọc thêm