Các luật sư nhận định việc thua lỗ triền miên, gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng của Hãng hàng không Jestar Pacific gần giống như trong vụ án Trịnh Xuân Thanh

Mặc dù Hãng hàng không Jestar Pacific làm ăn thua lỗ, dẫn tới thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng. Nhưng, những cán bộ lãnh đạo của Jestar Pacific trong thời gian làm ăn thua lỗ hiện nay lại trở thành lãnh đạo cấp cao tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn và đặt nhiều dấu hỏi về quy trình bổ nhiệm cán bộ tại Vietnam Airlines.... Liên quan đến vụ việc này, báo điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận ý kiến của một số luật sư.
Hãng hàng không Jestar Pacific
Hãng hàng không Jestar Pacific

Theo Luật sư Trần Viết Hưng- Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý thì trong vụ việc này cần làm rõ 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, vốn của Jestar Pacific thực chất là của các cổ đông mà cổ đông lớn nhất là Vietnam Airlines. Tại Vietnam Airlines thì vốn nhà nước chiếm hơn 86%. Vậy thì số vốn mà Vietnam Airlines đầu tư sang Jestar Pacific liệu có nằm ngoài nguồn vốn của nhà nước. Nếu đó là nguồn vốn của nhà nước thì việc Jestar Pacific làm ăn không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ số tiền hơn 4.000 tỷ, đồng nghĩa với việc Nhà nước cũng đang bị thất thoát vốn, đang phải gánh nợ hàng nghìn tỷ. Do đó, các cơ quan thanh kiểm tra cần vào cuộc ngay để xác định xem việc thua lỗ này do đâu, có yếu tố con người hay là do khách quan, do trình độ quản lý yếu kém, do việc đầu tư, do cách làm hay do yếu tố cá nhân…dẫn đến thất thoát vốn nhà nước tại Jestar Pacific. Cần bóc tách lại toàn bộ quá trình quản lý kinh doanh tại Jestar Pacific để xem có vi phạm về quy định quản lý kinh tế, quản lý vốn nhà nước hay không.

Thứ hai, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng để làm sạch bộ máy quản lý, nhất là việc quản lý các tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các công ty cổ phần mà nhà nước góp vốn. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc hàng loạt các vụ đại án kinh tế được đưa ra xét xử, trong đó có vụ án của Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình. Vì thế, với vụ việc xảy ra tại Jestar Pacific thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xác định xem có sai phạm tại đây hay không. Nếu sai phạm có yếu tố hình sự thì cần chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để điều tra theo quy định.

Thứ ba, cần phải xem xét lại quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ tại Vietnam Airlines. Vì hiện nay, dàn lãnh đạo của Vietnam Airlines lại chính là những con người đã từng nắm giữ các vị trí chủ chốt tại Jestar Pacific. Việc này cũng gần giống như trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, "Anh đang vi phạm nhưng vẫn được điều động, bổ nhiệm ở vị trí công tác cao hơn. Tại sao những người đang quản lý một đơn vị yếu kém như vậy nhưng vẫn được thăng quan tiến chức, được đề bạt vào những vị trí cao hơn, quản lý những nguồn vốn nhà nước lớn hơn. Vì thế cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm, điều động cán bộ ở đây. Cần phải có câu trả lời đích đáng cho công luận".

Đồng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Thủy – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thủy, đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, đối với vụ việc xảy ra tại Hãng hàng không Jestar Pacific, các cơ quan chức năng như Thanh Tra Chính phủ cần vào cuộc để thanh kiểm tra xem nguyên nhân vì sao Jestar Pacific lại thua lỗ kéo dài đến như vậy. Nếu có sai phạm thì cơ quan công an cần vào cuộc để điều tra. "Hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhưng chỉ có 2 năm báo lãi, còn lại thua lỗ năm sau cao hơn năm trước vậy thì cần phải làm rõ xem liệu có hay không sự nhập nhèm trong báo cáo tài chính, kê khai thuế tại Jestar Pacific", luật sư Nguyễn Thủy nói.

Về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Thành vào vị trí Tổng giám đốc của Vietnam Airlines hiện nay, luật sư Nguyễn Thủy cho rằng đây là một lựa chọn không chính đáng. Bởi người lãnh đạo cấp cao tại một doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines thì cần phải thực sự là người giỏi. Mà trường hợp của ông Dương Chí Thành thì liệu có được coi là người giỏi hay không? Nếu ông Dương Chí Thành là người giỏi thì liệu có để Jestar Pacific thu lỗ như vậy ?.

Trong vụ việc này, nếu xác định được có vi phạm trong quản lý kinh tế để xảy ra tình trạng thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng thì những cán bộ, lãnh đạo của Hãng hàng không Jetstar Pacific trước đây sẽ phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm tới đâu thì cần xem xét vào mức độ sai phạm. Căn cứ vào mức độ, hậu quả gây ra nếu cần truy cứu thì phải truy cứu. Hoặc không cũng xem xét bằng các hình thức khác như cắt chức, cảnh cáo … "Muốn làm rõ việc này thì trước mắt Thanh tra Chính phủ, các cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc để xem xét lại quá trình điều hành, quản lý kinh doanh tại Jetstar Pacific trong những năm qua", luật sư Nguyễn Thủy nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Minh Ngọc Công ty Luật Hợp Danh The Light "hiện nay chưa có cơ quan nào chỉ ra nguyên nhân lỗ nhiều năm của Jestar Pacific nên cũng chưa thể có cái nhìn khái quát về trách nhiệm của những nhà quản lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp, nếu cơ quan chức năng chứng minh được vi phạm của lãnh đạo Jestar Pacific trong việc quản lý, sử dụng tài sản công (cổ phần của Vietnam Airlines tại Jestar – Đây là nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước) được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì có thể bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt trách nhiệm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự".

Theo báo cáo của Hãng hàng không Jestar Pacific, năm 2018, đơn vị này đã có lãi (34 tỷ đồng). Tuy nhiên, với mức lợi nhuận khiêm tốn trong năm 2018, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific vẫn còn rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng.

Đọc thêm