Cách nào để các sản phẩm 'Made in Vietnam' không bị trừng phạt thuế?

(PLVN) - Việt Nam đang phải đối mặt với gần 200 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, nhiều nhất là từ Hoa Kỳ. Trong đó, thép là sản phẩm bị trừng phạt mạnh nhất do những vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm. Có cách nào để  hàng “Made in Vietnam” không bị trừng phạt kiểu “thuế chồng thuế”?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dễ trở thành đối tượng bị trừng phạt thương mại

Ở mỗi quốc gia đều có quy định cụ thể về nhãn mác khác nhau. Ví như Mỹ quy định trên bao bì đóng gói được áp dụng cho các sản phẩm xuất xứ bên ngoài Hoa Kỳ, tức là tất cả các sản phẩm khi được nhập khẩu (NK) vào Mỹ bắt buộc phải ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì đóng gói hoặc trực tiếp trên sản phẩm. Hiện tại Liên minh châu Âu (EU) chưa có bất kỳ quy định nào liên quan dán nhãn “Made in …” cho hàng hoá không phải thực phẩm NK vào EU. Việc dán nhãn này là quyền tự do của các nhà sản xuất (SX) và NK. 

Tuy nhiên, do có những chính sách về bảo hộ thương mại, Mỹ đang làm rất gắt gao các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ mà vụ việc thép “Made in Vietnam” có nguồn gốc từ Đài Loan, Hàn Quốc bị áp mức thuế lên tới hơn 400% mới nhất là một ví dụ điển hình. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trước đây, doanh nghiệp (DN) Việt Nam NK thép cán nóng từ các nước rồi có quá trình biến đổi tại Việt Nam. Bình thường, Mỹ chấp nhận quá trình biến đổi này nhưng bây giờ họ cho là quá trình đó không đáng kể, phải tăng thuế lên tới hơn 400% do đã có những gian lận sau khi Mỹ tiến hành áp mức thuế cao với các sản phẩm thép xuất khẩu (XK) từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). 

Theo số liệu phía Mỹ cung cấp, sau khi áp mức thuế cao từ 2 thị trường này thì các loại thép tương tự xuất đi từ Việt Nam lại tăng lên đến hơn 900%. Do đó, Mỹ tiến hành áp mức thuế trừng phạt đến 456% với các sản phẩm “Made in Vietnam” có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để tránh trường hợp “lẩn tránh thuế”. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang có kế hoạch cụ thể để phối hợp đánh giá các sản phẩm NK từ nước khác và các cơ quan sẽ làm việc thống nhất với các đối tác để có hướng dẫn cho DN, tránh cho các sản phẩm từ Việt Nam thành đối tượng bị trừng phạt thương mại. Đây cũng là cách để hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam không bị vạ lây bởi các quyết định áp thuế ở mức cao ngất ngưởng như vừa qua. 

Cần có quy tắc xuất xứ cho từng mặt hàng

Việc xác định xuất xứ “Made in Vietnam” vẫn là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại thế giới. Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lấy ví dụ về một sản phẩm mà DN Việt Nam SX và XK sang Hoa Kỳ nhưng vẫn ghi xuất xứ “Made in China”. 

Bà Hương cho biết, sản phẩm này sử dụng vải micro NK từ Trung Quốc, bìa các tông SX ở Việt Nam và một số linh kiện như chỉ, phụ kiện khác cũng được SX tại Việt Nam, may thành thành phẩm cũng tại Việt Nam nhưng khi XK vào Hoa Kỳ được ghi nhãn mác “Made in China”. DN lý giải, do nguyên liệu quan trọng tạo nên thành phẩm được dệt tại Trung Quốc nên họ tự giác đưa sản phẩm này là “Made in China” chứ không phải “Made in Vietnam”.

Từ đây, quay trở lại với câu chuyện thép “Made in Vietnam” có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan bị Mỹ áp thuế lên tới 456% cho thấy, trong một số trường hợp, khâu SX thành phẩm chính ở đâu thì hàng hóa được xác nhận có xuất xứ từ đấy khá chính xác. Bà Hương phân tích, mặc dù sản phẩm thép mà bây giờ các DN XK đi là sản phẩm thép hình, các DN sử dụng nguồn thép trong nước của Formosa hoặc sử dụng thép NK rồi gia công, cán nguội. 

Tuy nhiên, theo quy định của Hoa Kỳ, nếu muốn đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ (QTXX) thì công đoạn cán nóng ra sản phẩm thép hình ở đâu thì nơi đó mới được coi là nước xuất xứ của sản phẩm đó. Mỹ không quan tâm đến việc cán nguội và sản phẩm hoàn thành ở đâu, chỉ cần biết xuất xứ sản phẩm là nước có công đoạn cán nóng sản phẩm đó. Trong trường hợp áp thuế 456% này thì Việt Nam chỉ có công đoạn… cán nguội sản phẩm. 

Bà Hương khẳng định: “QTXX cũng như rào cản thương mại, khi quốc gia nào muốn bảo vệ SX trong nước thì họ sử dụng quy định về QTXX chặt hơn để hạn chế việc NK sản phẩm đó vào thị trường trong nước. Do đó, Việt Nam cần quy định cụ thể về QTXX cho từng mặt hàng để áp dụng cho sản phẩm, tránh bị áp mức thuế cho sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng lại mang nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia khác”.

Đọc thêm