Cao su thiên nhiên xuất khẩu: 80% không được kiểm soát chất lượng

(PLO) - Là nước xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng thứ 3 trên thế giới với trên 80% cao su thiên nhiên được xuất khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 60 – 70%, ngành cao su Việt Nam không những đang đứng trước rủi ro về thị trường mà cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một quy định hay cơ quan nào kiểm soát chất lượng cao su…
Có đến 80% cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu (Ảnh minh họa)
Có đến 80% cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu (Ảnh minh họa)

Thông tin được đưa ra tại Báo cáo “Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends phối hợp thực hiện vừa công bố.

Với ba nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành hiện nay là nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gần đây là gỗ cao su và đồ gỗ được làm từ gỗ cao su, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng này đạt trên 6,4 tỷ USD, đóng góp 5,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2017. 

Trong số đó, riêng cao su thiên nhiên, năm 2017 có khoảng 80,4% lượng cao su sản xuất tại Việt Nam được sử dung để xuất khẩu; phần còn lại (19,6%) được sử dụng nội địa cho ngành chế biến sản phẩm cao su. Năm 2017 lượng xuất khẩu là trên 1,3 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 2,25 tỷ USD. Mặc dù giá xuất khẩu cao su thiên nhiên năm 2017 cao hơn giá các năm 2015, 2016 (1.629 USD/tấn)  nhưng thấp hơn rất nhiều so với giá từ năm 2013 trở về trước, thậm chí có năm giá lên tới gần 4.000 USD/tấn (năm 2011).

Theo ông Tô Xuân Phúc (Forest Trends), thành viên nhóm nghiên cứu, ngoài phụ thuộc vào giá thế giới khi diện tích trồng cao su và sản lượng trên thế giới đang tăng lên thì xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc khi hàng năm thị trường này tiêu thụ trên 65% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam.

Theo nhận định của chuyên gia này, khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc, tuy nhiên cao su thiên nhiên của Việt Nam hay sản phẩm cao su chế biến của Việt Nam có vào được thị trường Mỹ hay không lại là chuyên khác.

Không những rủi ro về thị trường, khi nghiên cứu về ngành hàng này, ông Phúc cũng giật mình phát hiện ngành sản xuất lâm nghiệp được xếp vào loại quan trọng này cho đến nay vẫn chưa có bất cứ quy định nào hay cơ quan nào kiểm soát chất lượng cao su thiên nhiên. “Đâu đó có một số quy định về chất lượng đầu ra, nhưng đầu vào hầu như không có!”- ông Phúc cho hay và cảnh báo, điều này sẽ dẫn đến chất lượng cao su thiên nhiên kém, lẫn nhiều tạp chất và không loại trừ bị nước ngoài quay lại ép giá.

Đặc biệt, so với các ngành khác, ngành cao su đang rất thiếu thông tin về thị trường. Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay hướng dẫn làm thế nào để đối mặt với rủi ro khi tham gia thị trường quốc tế. “Hiện các thành viên của VRA chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam trong khi 264 nghìn hộ cao su tiểu điền đang trồng gần 500 nghìn ha cao su, còn lớn hơn diện tích của 60 DN nhà nước và 95 DN tư nhân cộng lại (chưa đến 400 nghìn ha) thì lại chẳng phải thành viên của VRA. Có thể họ nằm trọng Hội Nông dân hay Hiệp hội Chủ rừng nhưng có như vậy thì thông tin về ngành cao su hầu như họ không nắm được…”- ông Phúc cho hay.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi thị trường đã phát triển, cơ chế chính sách của các quốc gia liên quan đến đầu tư cởi mở hơn, lao động giá rẻ không còn tồn tại, hoặc không còn là lợi thế của quốc gia, xuất khẩu sản phẩm thô không những không tạo được giá trị gia tăng, không khuyến khích được các DN cải tiến công nghệ và đầu tư lao động tay nghề cao mà còn làm mất lợi thế cạnh tranh của ngành trên thị trường thế giới. 

“Đã đến lúc ngành cao su của Việt Nam, đặc biệt là đối với các DN nhà nước đang tham gia khâu sản xuất và chế biến thô hiện nay, cần thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, thay vì nỗ lực chỉ trú trọng mở rộng xuất khẩu dựa trên sự gia tăng lượng sản phẩm thô xuất khẩu, cần trú trọng tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sử dụng vốn, lao động và công nghệ…”- Báo cáo khuyến cáo. 

Diện tích vượt xa quy hoạch, xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới

Nếu như năm 1975, diện tích cao su của cả nước khoảng 75.200 ha, trong đó Tổng Công ty Cao su Việt Nam quản lý 55.790 ha, phần còn lại (19.410 ha) do chính quyền địa phương và tư nhân quản lý thì đến giai đoạn 1980 - 2015, diện tích cây cao su phát triển nhanh, với tốc độ tăng trưởng khoảng 7,4%/năm. Bắt đầu từ năm 2016, diện tích cao su giảm dần, chủ yếu do áp lực giá giảm sâu. Đến năm 2017, diện tích này còn khoảng 969.700ha, giảm 3.800 ha so với diện tích năm 2016 (973.500 ha) và giảm 15.900 ha so với diện tích 985.600 ha của năm 2015.

Cùng với diện tích, sản lượng cao su Việt Nam đã tăng nhanh, từ  khoảng 700 kg/ha/năm vào những năm 1980 lên bình quân 1.700kg/ha/năm trong giai đoạn 2009 – 2017. Hiện Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á. Bình quân sản lượng tăng trưởng đạt 9,5%/năm trong những thập kỷ vừa qua, từ 41.100 tấn năm 1980 lên 1.094.500 tấn năm 2017, tăng 26,6 lần. Với con số sản lượng này, Việt Nam là nước đứng thứ ba về cung cấp cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan (33,2% thị phần thế giới) và Indonesia (27,2%).

Đọc thêm