Cơ hội 'quốc tế hóa' doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

(PLO) - Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không chỉ các công ty công nghệ mà tất cả doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế được số hóa, đặc biệt đây là cơ hội cho các DN nhỏ và siêu nhỏ vươn ra thị trường quốc tế…
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Dòng chảy công nghệ

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển DN trong nền kinh tế số” và Lễ công bố “Báo cáo thường niên DN 2017/2018” hôm 17/5, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc  cho biết, các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số và Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Công nghệ số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày và trong công việc kinh doanh, nó đang tạo ra những giá trị mới mà các DN không thể bỏ qua.

Từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến; Từ môi giới việc làm, kinh doanh vận tải đến bất động sản hay ngân hàng, công nghệ số đang tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Những khái niệm như E- commerce,  Blockchain, Fintech, Big Data, Internet of Things ( IOT)  v.v. đã không còn trở nên xa lạ đối với các DN.

Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã có những đột phá trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã vượt kì vọng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỉ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025). Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành như du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến...  

Việt Nam, với tổng dân số hơn 90 triệu người, với hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3000 DN đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành CNTT, phần mềm, ứng dụng công nghệ số (như FPT, DTT, Viettel... ),...  Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế... Nhiều DN Việt đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn,... ), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng... 

Tuy nhiên, tỷ trọng của Thương mại điện tử trong tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam  chiếm 3,6% , theo Chủ tịch VCCI, đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (14,5%)…

Nắm bắt cơ hội…

Dẫn chứng một thợ may ở Hội An có thể đơn hàng với bạn hàng ở các nước Châu Âu hay một chủ của hàng nhỏ ở Hà Nội có thể kết nối với khách hàng ở Châu Mỹ, Chủ tịch VCCI cho rằng đây chính là cơ hội “quốc tế hóa” cho các DN nhỏ và vừa, thậm chí là DN siêu nhỏ. “Thương mại điện tử không phân biệt quy mô DN, chính DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ là lợi thế. Các DN nếu tận dụng được cơ hội này dể vươn lên toàn cầu, nếu không nắm bắt, hòa mình vào xu thế này có thể bị đẩy lùi trên sân nhà…” - TS Lộc khẳng định.

Theo Chủ tịch VCCI, phát triển công nghệ số sẽ giúp DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí hậu cần và giao dịch. Thông qua trao đổi trực tuyến, sẽ tạo cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng…, người tiêu dùng thì được mua sắm toàn cầu. 

Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội từ nền kinh tế số không phải đơn giản khi các DN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: về thị trường, nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, an ninh bảo mật. Cùng với đó là thách thức trong triển khai Thương mại điện tử và khả năng thích ứng với nền kinh tế số của DN Việt Nam, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Bùi Thế Duy, kinh tế số, các mạng 4.0 là xu thế và Việt Nam không ngoài cuộc. Nhưng không phải cứ nghe nói nhiều đến kinh tế số, 4.0 mà như sợ “ngáo ộp” mà vội vàng chuyển sang ngay. “Không phải tất cả DN đều chuyển sang công nghiệp 4.0. Mỗi DN  cần có chiến lược chuyển đổi của mình, có thể qua bước trung gian, DN lớn hơn chuyển toàn bộ...” - Thứ trưởng Bộ KH&CN đưa ra lời khuyên.

Còn theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, để DN phát triển trong bối cảnh kinh tế số, việc đầu tiên là cần có nền tảng cho kinh tế số (Ví dụ: viễn thông, internet băng rộng...), nhưng quan trọng hơn vẫn là môi trường, đó là phải nhất quán tư duy DN được làm những gì mà pháp luật  không cấm, đó mới là điều kiện cần. “Khi đó không cần khuyến khích, tự thân DN thấy có lợi sẽ chuyền đổi cho phù hợp với nền kinh tế   Thứ trưởng khẳng định.

Đọc thêm