Đa dạng nông sản phục vụ Tết Kỷ Hợi

(PLVN) - Nhằm chuẩn bị tốt nguồn thực phẩm, đặc biệt là các loại mặt hàng nông sản đặc sản, các vùng sản xuất, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động nguồn cung từ trước để phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng dịp Tết …
Đa dạng thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán. Ảnh minh họa
Đa dạng thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán. Ảnh minh họa

Thực phẩm đa dạng, dồi dào

Khác với nhiều năm trước, dịp Tết Kỷ Hợi năm nay được dự báo nguồn thực phẩm phục vụ Tết sẽ đảm bảo để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, diện tích rau, củ, quả năm nay tăng hơn so với cùng kỳ nên nguồn cung rất lớn. Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích rau vụ đông đạt 195.000ha, tăng hơn khoảng 10.000ha so với vụ trước.

Một thuận lợi khác là thời tiết khi những tuần giáp tết, thời tiết ấm, lượng mưa vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho các loại rau ăn lá sinh trưởng, phát triển nên các vùng sản xuất rau củ quả quanh các thành phố lớn đều đảm bảo, thậm chí có nơi còn dư thừa.

Tại Thủ đô Hà Nội, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân, hợp tác xã với DN, đồng thời duy trì 377 chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho Thủ đô. Trong đó, các mặt hàng đặc sản vùng miền đã được giới thiệu thông qua các chương trình giới thiệu sản phẩm, tại các siêu thị để người dân chọn lựa.

Báo cáo từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện đàn bò của thành phố có 131.686 con; đàn lợn 2,04 triệu con; gia cầm 29,8 triệu con. Cùng với đó, nông dân đang đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2018 - 2019 với diện tích gieo trồng 39.000ha.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, với khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân trong thời gian khoảng 20 ngày nữa thì Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ sản lượng thịt lợn, thịt gà. Các mặt hàng khác như gạo đáp ứng được 35%; thịt bò khoảng 15%; trứng gia cầm 66%; rau, củ, quả 66%...

Không lo thiếu hàng, “sốt” giá

Trước tình trạng dịch bệnh lở mồm long móng xuất hiện quanh Hà Nội, nhiều thương lái đã tìm cách đẩy giá thịt lợn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương -quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNN, người dân nên lựa chọn các sản phẩm thịt có nguồn gốc rõ ràng tại các siêu thị hoặc nguồn cung chính thức để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và giá cả ổn định.

Về phía các DN, Công ty CP Ba Huân với nguồn hàng chủ động sẵn đã đẩy mạnh hàng hóa vào các kênh siêu thị và chợ truyền thống phục vụ nhu cầu người dân. Ngoài ra, công ty còn có những chuyến hàng lưu động đến các khu vực người dân có nhu cầu cao như khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đại diện của Công ty CP Masan, đầu tháng 12/2018, DN này đã tung ra thị trường sản phẩm thịt mát Meat Deli với chất lượng tươi ngon và đảm bảo. Để chủ động nguồn hàng phục vụ trong dịp Tết, công ty đã chuẩn bị dựa trên 2 yếu tố là tạo nguồn hàng và lưu thông phân phối. Sản lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường Tết của công ty tăng 15 đến 25% so với Tết trước.

Trong khi đó, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, DN này đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản từ đầu tháng 12/2018… Những mặt hàng này được khai thác từ các nhà cung cấp lớn, có uy tín, chất lượng bảo đảm.

Bên cạnh đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định, để chủ động kiểm soát tốt vấn đề VSATTP, TP.Hà Nội đã giao Sở Công thương cùng lực lượng quản lý thị trường thành phố thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành; đồng thời, chỉ đạo ban quản lý chợ, DN quản lý chợ trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương nghiêm túc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định; đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các lò mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm VSATTP. 

Đọc thêm