Đã đến lúc tính chuyện ứng dụng công nghệ Blockchain trong nông nghiệp

(PLO) - Nhiều diễn giả và chuyên gia cho rằng nếu ứng dụng công nghệ Blockchain vào nông nghiệp thì quản lý và truy xuất được nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, công nghệ này hiện vẫn còn khá lạ lẫm với các doanh nghiệp, nhà nông.
 Theo các diễn giả, nếu ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản
Theo các diễn giả, nếu ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản

Ngày 05/7, tại Cần Thơ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Cty Cổ phần Lina Network tổ chức hội thảo “Nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng công nghệ Blockchain”.

ĐBSCL là khu vực sản xuất chế biến nông sản lớn nhất cả nước. Các sản phẩm lúa gạo, tôm, trái cây...đều xuất phát từ khu vực này. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu trong nhiều năm qua vẫn chưa được nâng lên do sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu thô chưa có nhiều giá trị gia tăng, nhiều rào cản kỹ thuật về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, phải làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu là “bài toán khó” của nhà quản lý, nông nghiệp và nhà nông.

Nói về khó khăn này, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ cho biết, VCCI Cần Thơ luôn tìm kiếm những giải pháp, cách thức sản xuất, quy trình quản lý, những công nghệ mới để doanh nghiệp có thể áp dụng, từ đó góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Các diễn giả, chuyên gia giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về việc ứng dụng công nghệ Blockchain.
Các diễn giả, chuyên gia giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

Trước thực trạng hiện nay, khó khăn ngành nông nghiệp đang đối mặt là sự kết nối giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh còn hạn chế do đó việc xác định nguồn gốc và quá trình sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp do gặp nhiều vấn đề, chưa kể đến việc thẩm định của các sản phẩm và quá trình đó. 

Theo ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Lina Network, bằng việc sử dụng Blockchain các Cty nông nghiệp có thể tạo ra một hệ thống ghi lại tất cả quá trình sản xuất của toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp, giúp cho nhà nông có thể trả công xứng đáng với công sức họ bỏ ra, cũng như giúp cho nhà bán lẻ và người tiêu dùng có thể thẩm định chất lượng ông sản mà họ tiêu thụ và sử dụng.

“Thị trường rất cần sản phẩm sạch, chúng ta làm ra sản phẩm sạch nhưng không chinh phục được thị trường. Nếu ứng dụng Blockchain thì từ gieo hạt đến lên lá mầm, sử dụng phân gì, thuốc gì cho đến làm bông, làm trái, làm hoa đều được ghi lên trên sổ cái quản lý. Mọi thứ đều minh bạch từ đó sẽ dễ thuyết phục khách hàng hơn. Công nghệ giải quyết bài toán chứng minh được với thị trường sản phẩm của tôi là chuẩn, là minh bạch, sạch, an toàn”, ông Ca chia sẻ. Đồng thời đề nghị, nhà nước sớm có khung hành lang pháp lý quy định cụ thể về công nghệ này.

Các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo khá băn khoăn, “nửa tin nửa ngờ” và đặt ra nhiều thắc mắc về loại công nghệ mới này. Các diễn giả cho rằng công nghệ này sẽ làm minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thắc mắc về tính bảo mật của công nghệ vì thực sự các phần mềm công nghệ thông tin hiện nay có những phần mềm khả năng bảo mật rất kém làm “lộ” thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Đối với thắc mắc nếu ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp thì phải triển khai mất thời gian bao lâu và chi phí là bao nhiêu, ông Hà Đức Long, Cty Cổ phần Lina Network cho biết, vấn đề thời gian còn phải lệ thuộc vào doanh nghiệp xem muốn đưa vào quản lý những hạng mục như thế nào. Về chi phí, ông Long khẳng định:“Mức chi phí tiết kiệm hơn so với chi phí các doanh nghiệp đang quản lý dữ liệu của Cty mình”

Nói về công nghệ mới này, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết, vấn đề nguồn gốc sản phẩm đang được nhiều người quan tâm. Một người ra chợ mua không biết sản phẩm sạch hay không, không biết nguồn gốc thì khi đưa vào thị trường mọi người sử dụng với tâm lý bất an. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng tạo ra các sản phẩm an toàn lại rơi vào tình trạng phá sản do việc người làm thật làm giả lẫn lộn chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Những tiến bộ về công nghệ thông tin sẽ đi trước. “Nếu được xã hội chấp nhận từ đó luật pháp sẽ có quy định rõ ràng. Vấn đề quan trọng là phải làm sao bảo mật tốt. Nếu bảo mật tốt thì nó sẽ chiếm lĩnh thị trường”, ông Toại nhấn mạnh./.

Đọc thêm