Doanh nghiệp hội nhập cần giữ gìn đặc trưng dân tộc

(PLVN) - Ngày 18/4, tại TP Cần Thơ, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa Doanh nghiệp (DN) Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Xây dựng văn hóa DN Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động đến với 13 tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam Bộ.
Trao đổi tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn,Trưởng Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa DN Việt Nam cho biết, ngày 10/11 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Văn hóa DN Việt Nam nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa DN. Phổ biến và nâng cao nhận thức văn hóa DN, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với tinh thần thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, tiếp thu tinh hoa của DN thế giới là cần thiết nhưng đừng quên giữ gìn nét đặc trưng của dân tộc, con người Việt Nam.

Để không bị lạc hậu trước sự “bùng nổ” mạnh mẽ của công nghệ, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, trước tiên mỗi DN cần chuyển biến nhận thức về tư duy, đây được xem là “chìa khóa”, là “thước đo” quan trọng tạo nên thành công cho DN.

Cạnh đó, ông Hợp nêu quan điểm, để DN vươn xa trong tiến trình hội nhập, cần trang bị kiến thức về trình độ ngoại ngữ, tâm, tài và bản lĩnh. Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, DN là nguyên khí quốc gia, DN có giàu thì quốc gia mới thịnh. Tuy nhiên, DN nước ta đang đối diện nhiều thách thức cả trong nội lực lẫn phát triển thị trường.

Vì vậy, xây dựng văn hóa DN cần có lộ trình, phát triển từng cụm, gắn kết trau dồi kinh nghiệm nhất là DN vừa và nhỏ. Thực tế, theo báo cáo của các địa phương, số lượng DN đăng ký kinh doanh sản xuất rất nhiều nhưng lại không đề cập đến các DN kinh doanh không hiệu quả. Do đó, chưa có nhiều biện pháp để kịp thời hỗ trợ DN.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển khẳng định, DN là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực, diện mạo mới cho xã hội. Hầu hết các DN đã xác định xây dựng DN văn hóa là việc làm quan trọng nhưng chưa thể hiện bằng các hành động cụ thể.

Từ đó, cần có chính sách thực sự là “đòn bẩy” khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động, sáng tạo cho DN. Nhân dịp này, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động thực hiện ký kết kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa DN Việt Nam với đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ. 

Đọc thêm