Đối thoại an toàn vệ sinh lao động năm 2018: Đừng để lao động trẻ “hồn nhiên” làm việc

(PLO) - Không người lao động (NLĐ) nào muốn “dính” tai nạn lao động (TNLĐ) vì những thiệt thòi về sức khỏe, thu nhập. Nhưng không ít trường hợp TNLĐ dù đã được chứng nhận của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động thì vẫn không được công nhận đó là TNLĐ. Và cuối cùng NLĐ phải gánh hậu quả.
Pháp luật về ATVSLĐ được coi là “chiếc lưới” an sinh “đỡ lưng” NLĐ
Pháp luật về ATVSLĐ được coi là “chiếc lưới” an sinh “đỡ lưng” NLĐ

Sáng qua (11/4), cuộc Đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 đã được nghe không ít ý kiến xoay quanh vấn đề nêu trên. Đây là cuộc đối thoại thứ hai của Hội đồng nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ và ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.

“Lưới” an sinh “đỡ lưng” người lao động

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATLĐ - Trưởng ban Thư ký Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ cho biết, trong số các nhóm vấn đề liên quan đến ATVSLĐ được ghi nhận từ các tổ chức, vấn đề khai báo điều tra TNLĐ và giải quyết chính sách cho NLĐ vẫn còn nhiều vướng mắc ở thời hạn điều tra TNLĐ, cũng như ở việc giải quyết chế độ với tai nạn trên đường đi và về do lỗi của NLĐ gây ra cho bản thân...

Để minh chứng cho nhận định của ông Thắng, đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai đã cho biết, từ thực tế địa phương có thể thấy rất nhiều trường hợp NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm đi và về, nhưng thủ tục giải quyết TNLĐ cho họ gặp rất nhiều khó khăn vì không có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan bảo hiểm. Thậm chí có nhiều trường hợp Sở LĐTB&XH đã xác nhận đó là TNLĐ nhưng cơ quan bảo hiểm vẫn không công nhận vì cho rằng thiếu giấy tờ thủ tục. 

Lý giải bức xúc của đại diện Sở LĐTB&XH Đồng Nai, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, đại diện Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, pháp luật về ATVSLĐ quy định chỉ trong 3 trường hợp NLĐ bị thương vong do: tự tử; mâu thuẫn cá nhân không liên quan đến lao động; sử dụng chất gây nghiện bị pháp luật nghiêm cấm thì mới không được coi là TNLĐ, còn khi đã liên quan đến quá trình lao động thì đều được coi là TNLĐ.

Mặt khác, Điều 57 Luật ATVSLĐ quy định rõ những loại giấy tờ cần thiết để chứng minh TNLĐ, cơ quan bảo hiểm không có quyền đòi hỏi những giấy tờ ngoài danh mục quy định này, “Pháp luật về ATVSLĐ được coi là “chiếc lưới” an sinh “đỡ lưng” NLĐ nên quy định đủ rộng, chắc, vì thế đừng “hành” NLĐ và doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc gì, Sở LĐTB&XH chủ quản cần có ý kiến ngay với địa phương và TƯ để giải quyết kịp thời” - đại diện Bộ LĐTB&XH lưu ý.

Đưa kiến thức an toàn vệ sinh lao động vào học đường

Có mặt tại buổi đối thoại, ông Chang Hee Lee – Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh, cần quan tâm đến lực lượng lao động trẻ cũng như những chính sách đảm bảo ATVSLĐ cho họ. Vì các nghiên cứu đã cho thấy NLĐ trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 24 có tỉ lệ thương tích lao động và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với NLĐ lớn tuổi. Nhiều NLĐ trẻ tin rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố liên quan đến công việc. Tương tự, người sử dụng lao động cũng không cần phải quan tâm đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vì chưa bao giờ xảy ra tai nạn tại nơi làm việc của họ.

“Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động, họ chính là tương lai của Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự cố mất an toàn trong lao động mà NLĐ trẻ phải chịu, như điều kiện việc làm, thiếu kỹ năng và kiến thức cũng như chưa có tiếng nói về vấn đề an toàn. Nhiều bằng chứng khác cho thấy đây là nhóm đối tượng có xu hướng tuân thủ các quy định an toàn thấp hơn, như không thực hiện các bước đảm bảo an toàn và không quan tâm tới các quy trình an toàn trong lao động. Vì thế, việc đảm bảo ATVSLĐ, đảm bảo tương lai bền vững cho lao động trẻ là cần thiết. Muốn vậy cần sớm đưa kiến thức về ATVSLĐ vào từ giai đoạn nhà trường như chương trình phổ thông, chương trình dạy nghề” - ông Chang Hee Lee kiến nghị.

Theo ông Hà Tất Thắng, hiện đang tồn tại một khoảng trống về kiến thức và thái độ về ATLĐ trong lĩnh vực phi chính thức, nơi không có quan hệ lao động. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho lao động trẻ, đặc biệt trong nông nghiệp, để họ hiểu sâu hơn về các khái niệm về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cơ bản, ngoài việc sử dụng các thiết bị an toàn. Đào tạo và thông tin cho lao động trẻ cần nhấn mạnh hậu quả tiêu cực của các sự cố ATLĐ cũng như hướng dẫn về các yêu cầu để có an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tốt hơn.

“Hiện nay chúng tôi đang xem xét tham mưu đệ trình Chính phủ ban hành quy định áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động. Đây là vấn đế rất khó nhưng chúng tôi vẫn phải quyết tâm, bởi có như vậy NLĐ mới được bảo vệ” – ông Hà Tất Thắng khẳng định.

Đọc thêm