Đơn giản hóa thủ tục xác định thiệt hại của doanh nghiệp

(PLO) - Các văn bản pháp luật về bồi thường nhà nước (BTNN) trước đây đều quy định chưa rõ ràng trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN). Điều này làm cho những người bị thiệt hại, bao gồm các đối tượng là doanh nghiệp, gặp khó khăn khi thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại và gây ra tình trạng các cơ quan nhà nước lẩn tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm của mình trong việc giải quyết quyền lợi của người bị thiệt hại. 
Đơn giản hóa thủ tục xác định thiệt hại của doanh nghiệp

Chưa “bứt phá” trong bồi thường thiệt hại về tài sản

Với sự ra đời của Luật TNBTCNN năm 2009, việc tìm được đúng cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại đã trở nên dễ dàng hơn. Trong đó, đáng chú ý là Luật quy định thành lập một cơ quan mới để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BTNN (Cục BTNN thuộc Bộ Tư pháp). Trường hợp không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu Cục BTNN xác định. 

Tuy nhiên, một trong những vấn đề vẫn chưa được Luật năm 2009 xử lý tốt là Luật không giải quyết quyền lợi của doanh nghiệp khi chủ doanh nghiệp bị truy tố hình sự nhưng sau được xem xét là bị oan, sai. Trước đây, trong vụ việc của ông Hoàng Minh Tiến, ông đề nghị được bồi thường 2,7 tỷ đồng và trả lại một ngôi nhà bị kê biên, tịch thu song ông chỉ được bồi thường gần 44,5 triệu đồng – một số tiền rất thấp so với yêu cầu và không đả động gì đến doanh nghiệp của ông. 

Hay với ông Lương Ngọc Phi, trong hơn 1.000 ngày bị oan, “vợ con ông đầu đường cuối chợ nuôi nhau”, Công ty Hòa Bình của ông đã bị phá sản hoàn toàn, hàng nghìn hộ nông dân ở Thái Bình mất thu nhập từ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đã ký với Công ty… Vì vậy, từ mức đòi bồi thường oan sai là 18,3 tỷ đồng năm 2004, có lúc mức đòi bồi thường lên đến con số “khủng” 55 tỷ đồng và cuối cùng, mức bồi thường được “chốt” là 23 tỷ đồng. Tất cả những con số đòi bồi thường ấy đều được ông Phi thống kê rành mạch và có cơ sở, đủ các mục như thiệt hại về tinh thần, tổn hại sức khỏe, thu nhập bị mất trong thời gian bị bắt giam, thiệt hại về tài sản bị thu giữ, kê biên… 

Riêng phần về tài sản, ông Phi nhận định, Luật năm 2009 không thực sự “bứt phá” so với các văn bản pháp luật về TNBTCNN trước đó, nhất là trong những quy định về trình tự, thủ tục trả lại tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu… Ngoài ra, Luật năm 2009 cũng chưa thực sự “tiến bộ” khi không đưa ra những căn cứ để tính mức bồi thường cho “những thiệt hại do không được khai thác từ tài sản”. Theo đó, Điều 50 của Luật năm 2009 chỉ có đúng một câu: “Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ”. 

Sửa đổi toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường

Những bất cập trên đây sắp tới sẽ được Luật TNBTCNN năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) tháo gỡ. Luật năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường, trong đó đáng chú ý là bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được Luật năm 2009 quy định như thiệt hại được bồi thường là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; căn cứ tính mức lãi suất; lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm. 

Đối với thiệt hại về tinh thần, Luật 2017 bổ sung một số thiệt hại về tinh thần trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Nhằm hướng dẫn cụ thể Luật năm 2017, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN, cũng sẽ có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/7/2018. Riêng về thiệt hại được bồi thường, Nghị định 68 dành hẳn Chương II gồm 10 điều (từ Điều 3 đến Điều 12) để quy định về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại là chi phí được bồi thường; khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và thiệt hại về tinh thần; xác định các chi phí khác được bồi thường.

Chẳng hạn, hướng dẫn khoản 1 Điều 23 của Luật năm 2017 về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, khoản 1 Điều 3 Nghị định 68 nêu rõ: Giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng trên thị trường là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường của 3 tài sản đó do 3 cơ sở kinh doanh khác nhau trên thị trường cung cấp. Hay khoảng thời gian để tính thu nhập thực tế bị mất quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật năm 2017 do tài sản đã bị phát mại, bị mất thì khoản 1 Điều 4 Nghị định 68 quy định là được tính từ ngày tài sản bị phát mại, bị mất đến thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường theo Điều 43 Luật năm 2017 hoặc đến thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 và Điều 55 của Luật năm 2017.

Đọc thêm