Đồng Euro: 20 tuổi vẫn mơ cường tráng

(PLVN) - Cách đây đúng 20 năm, EU cho ra đời đồng tiền chung Euro, trước hết mới chỉ là phương tiện thanh toán trên sổ sách, và ba năm sau mới lưu hành trong giao dịch đời thường của con người. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Không phải tất cả mà chỉ có 19 thành viên EU tham gia chính thức, tạo thành Nhóm Euro. Ngoài ra, có ba nước khác sử dụng đồng Euro. Trên thế giới hiện còn có khoảng 60 quốc gia gắn giá trị đồng bản tệ của họ vào giá trị của đồng Euro. Đồng Euro đã trở thành đồng ngoại tệ mạnh đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau có đồng USD. 

Ở châu Âu, đồng tiền này được khoảng 343 triệu người sử dụng hàng ngày. Nó được các quốc gia trên thế giới sử dụng ngày càng thêm nhiều trong dự trữ ngoại hối của quốc gia. Vì sự ra đời của đồng Euro mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được thành lập. Cùng với sự định hình của đồng Euro, ECB dần trở thành một quyền lực trong EU cũng như trong thế giới tiền tệ và tài chính của thế giới.

Sự ra đời của đồng Euro cách đây 20 năm là kết quả của một cuộc thử nghiệm và thí nghiệm chính sách của EU nhằm tìm kiếm động lực phát triển mới và làm cho tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hoá khu vực của EU không bị đảo ngược. Sự ra đời của đồng Euro vì thế được EU nhìn nhận là bước ngoặt lịch sử, có ý nghĩa và tác động vô cùng quan trọng tới tương lai của EU. 

Đồng Euro hiện thân và đại diện không chỉ cho Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu của EU, mà còn cho chính EU. EU dùng sự ra đời và giá trị của đồng Euro làm bằng chứng về thành công trong quá trình hợp tác, liên kết và nhất thể hoá khu vực.

Nói như thế để thấy đồng Euro quan trọng như thế nào đối với EU và để hiểu vì sao EU đã phải giải cứu đồng tiền này bằng mọi giá khi nó bị đe doạ thật sự bởi cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công ở một số thành viên EU. Khi chưa có nó thì không sao, nhưng từ khi có nó rồi thì EU tồn tại hay sụp đổ phụ thuộc vào đồng Euro tồn tại hay sụp đổ.

Sau 20 năm, giá trị của đồng tiền này so với đồng USD hay với vàng đều không còn được như ở vào thời điểm ngày 1/1/1999. Nhưng như thế không có nghĩa là đồng Euro sau 20 năm đã trở thành một rủi ro về tiền tệ đối với quốc gia và con người. Đồng Euro trải qua thăng trầm như bao đồng tiền khác và công bằng cũng như khách quan mà nói thì nó vẫn thuộc diện những đồng tiền ổn định giá trị và được tin cậy nhất trên thế giới. 

Với đồng Euro, nội bộ EU bị phân chia thành hai đẳng cấp thành viên khác nhau. Nhưng không vì thế mà lại có thể nói rằng đồng Euro đã làm phân hoá nội bộ EU. Lý do ở chỗ đồng tiền chung này được công nhận là hạt nhân và động lực mới của tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục của EU.

Nó là liên minh tiền tệ mở chứ không khép kín, tự nguyện chứ không bắt buộc đối với các thành viên EU. Nó có bốn tiêu chí và điều kiện về ổn định, về lãi suất và tỷ lệ lạm phát, về mức độ nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước; mà các thành viên EU tham gia Nhóm Euro phải tuân thủ; và những thành viên khác muốn tham gia Nhóm Euro phải đáp ứng.

Trong thời gian 20 năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công ở một số nước thành viên EU là thách thức lớn nhất đối với sự tồn vong của đồng Euro. Chưa khi nào họ bị đe doạ nghiêm trọng và thật sự như trong khoảng thời gian ấy. EU, ECB và Quỹ tiền tệ quốc tế đã phải tốn rất nhiều công của để cứu các nước thành viên kia và qua đó để cứu đồng Euro. 

Vụ việc này đã ảnh hưởng tiêu cực tới uy danh và sự tín nhiệm của đồng Euro và là bài học rất cay đắng đối với EU. Nó làm bộc lộ những bất cập trong vận hành chính sách nói chung của EU và ECB liên quan đến đồng Euro. Nó cho thấy đồng Euro vẫn còn rất dễ bị tổn thương và quá trình nhất thể hoá về tiền tệ của EU vẫn còn có thể bị đảo ngược.

EU được nhiều nhưng người dân trong EU lại không được nhiều như thế từ đồng tiền chung trên phương diện lãi suất cơ bản thấp gần như bằng không. Cũng chính vì thế mà EU và người dân trong EU kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của đồng Euro với tâm trạng rất khác nhau, pha trộn tự hào và lo ngại, vui mừng và trách cứ.

Ông Gilles Moec, kinh tế gia tại Bank of America Merrill Lynch nhắc lại mục tiêu ban đầu khi cho ra đời đồng Euro. Trong những năm 1990, “điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến đổi tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên và trên bình diện chính trị, là giúp cho nước Đức thống nhất có cùng nhịp chèo với Tây Âu”.

Trớ trêu thay cũng chính nước Đức ngày nay là rào cản lớn nhất cho mọi ý định cải cách về khu vực đồng Euro. Mọi giải pháp đề xuất để bình ổn khu vực đồng tiền chung đều gặp phải sự phản đối từ Berlin.

Dẫu sao thì đồng Euro vẫn còn có chút hy vọng trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Là đồng tiền thứ hai được sử dụng nhiều trên thế giới, đồng tiền chung này vẫn được đại bộ phận người dân châu Âu ủng hộ. Khoảng 74% số người dân châu Âu được hỏi đánh giá rằng Euro có lợi cho EU, và 64% cho là Euro mang lại lợi ích cho chính đất nước của họ.

Do vậy, chuyên gia kinh tế Nicolas Veron lạc quan nghĩ rằng với các biện pháp trong sạch hóa hệ thống ngân hàng, nợ công, cùng với các chính sách mới, đồng Euro “kể từ giờ là người khổng lồ đứng trên đôi chân bằng gạch hơn là đất sét”.

Đọc thêm