Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Thanh tra, Kiểm toán làm gì trong lĩnh vực thuế?

(PLO) - Dự án Luật Quản lý thuế (QLT) (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội năm sau. Vấn đề được dư luận quan tâm là cơ quan Thanh tra (CQTT), Kiểm toán (KTNN) nhiệm vụ, quyền hạn gì, nhất là sau cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa Tổng KTNN Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trên Diễn đàn Quốc hội... 
Đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ thông tin xung quanh Dự án Luật QLT (sửa đổi)
Đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ thông tin xung quanh Dự án Luật QLT (sửa đổi)

Trao đổi với báo chí hôm qua (16/11), ông  Lưu Đức Huy, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định CQTT, KTNN thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan QLT theo quy định của pháp luật về KTNN, về thanh tra, về QLT và các quy định của pháp luật có liên quan. Có một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định của dự thảo Luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa CQTT, kiểm toán với cơ quan QLT. 

Cũng theo ông Huy, theo quy định hiện hành Cơ quan KTNN chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Hiện KTNN đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán bằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định chi tiết Điều 4, Điều 55 của Luật KTNN theo hướng KTNN thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp NSNN. “Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Do đó, Luật QLT không quy định nội dung này...” - đại diện Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế phát biểu.

Luật QLT (sửa đổi) chỉ “giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan QLT, người nộp thuế (NNT) và các cơ quan có liên quan. Theo đó, Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình với ý kiến các đại biểu: Trường hợp CQTT, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan QLT, trong đó có hoạt động đối chiếu nghĩa vụ của NNT thì cơ quan QLT phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của CQTT, kiểm toán. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện phải được xử lý bằng quyết định hành chính và nghĩa vụ thực hiện ở đây là NNT...” - ông Huy giải thích.

Cũng theo đại diện Vụ Chính sách, trên thực tế khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan thuế (CQT), CQTT hoặc KTNN chỉ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ của NNT thông qua các hồ sơ mà NNT nộp cho CQT theo cơ chế tự khai, tự nộp và việc kiểm toán tại trụ sở cơ quan QLT chỉ lập biên bản kiểm tra, đối chiếu số liệu với NNT tại cơ quan QLT thì tính hiệu lực pháp lý chưa cao.

Hiện nay, theo quy định của Luật QLT, DN tự khai, tự tính, tự nộp thuế, CQT thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng DN. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, có kết luận và quyết định xử lý thì khi không thống nhất NNT có quyền khiếu nại và khởi kiện, cụ thể: NNT có quyền khiếu nại 2 lần (lần 1 với cơ quan QLT ra quyết định xử lý thuế, lần 2 với cơ quan QLT cấp trên), trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì NNT có quyền khởi kiện cơ quan QLT ra Toà án.

Do đó, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, Dự thảo Luật sẽ được chỉnh lý theo hướng: Tạo thuận lợi cho CQTT, kiểm toán hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, không chồng chéo; Đảm bảo quy định đúng Hiến pháp, không mâu thuẫn với Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán; Phù hợp với tổ chức bộ máy nhà nước; Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NNT; Đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan QLT thực hiện đúng pháp luật thuế, pháp luật QLT và pháp luật khác có liên quan... trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Đọc thêm