Hiện thực hóa các cam kết trong CPTPP: Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia

(PLO) - Được xem là “siêu hiệp định”, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam, trong đó có những vấn đề liên quan đến cải cách thể chế để mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia vào quá trình hiện thực hóa các cam kết trong Hiệp định.
11 nước tham gia Hiệp định CPTPP
11 nước tham gia Hiệp định CPTPP

Đề cập nhiều vấn đề mới, phi truyền thống 

Rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam) tại Chile, CPTPP đã được thống nhất nội dung đàm phán, được thống nhất sẽ tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc ký kết. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Việt Nam. 

CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa và dịch vụ trong khối theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Hiệp định còn thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc này. Đáng chú ý, Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước…

Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung cũng như các địa phương có chính sách thu hút đầu tư tốt, phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ mạnh mẽ như TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ…

Đẩy mạnh rà soát, nội luật hóa các cam kết CPTPP 

Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 diễn ra ở Đà Nẵng, cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết.

Vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương được thể hiện thì ngược trở lại, Hiệp định sẽ tạo áp lực cải cách thể chế, cải cách chính sách để mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nước ta. Khi mở cửa ra thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều qua thực tế, điều này sẽ tiến bộ hơn nhiều so với việc học hỏi trên văn bản và ngôn từ của Hiệp định.

Nhìn nhận cơ hội và thách thức hội nhập sau CPTPP, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề mấu chốt là phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi và năng lực vận hành để tuân thủ và đáp ứng các điều kiện khắt khe, đòi hỏi rất cao của một hiệp định được coi là tiến bộ nhất. Ông cho rằng, phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội.

Đồng tình, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, vì là Hiệp định chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều các lĩnh vực cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trở nên thuận lợi hơn. Việc cải cách này cũng gắn với những cải cách của Chính phủ nên chi phí giao dịch sẽ giảm và như vậy cũng sẽ tạo ra được những tiền đề rất tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho phong trào khởi nghiệp thực chất sẽ đi lên.

Bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền Hiệp định, Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước khác cần được đẩy mạnh rà soát và chuyển hóa các cam kết CPTPP vào pháp luật trong nước. Còn nhớ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều quy định đã được sửa đổi. Nhìn lại, các chuyên gia thấy rằng có không ít trường hợp sửa đổi không đồng bộ dẫn tới vướng mắc trong áp dụng, hoặc việc sửa đổi quá mạnh so với cam kết khiến doanh nghiệp nội thiệt thòi.

Do đó, lần này việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết CPTPP cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên và đầy đủ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Trong quá trình này, Bộ Tư pháp cần thể hiện rõ tiếng nói của mình với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật.

Đọc thêm