Hiệp định VPA/FLEGT về gỗ hợp pháp: Doanh nghiệp sẵn sàng, cơ quan quản lý còn băn khoăn

(PLO) - Sau hơn 6 năm đàm phán, ngày 19/10, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Trong suốt quá trình đàm phán, các DN Việt Nam đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng thực thi thì các cơ quan quản lý tỏ ra băn khoăn vì thiếu công cụ quản lý theo cam kết trong Hiệp định…
Sản xuất nội thất xuất khẩu sang Mỹ tại Mifaco  (Ảnh minh họa)
Sản xuất nội thất xuất khẩu sang Mỹ tại Mifaco (Ảnh minh họa)

Gỗ hợp pháp - Yêu cầu từ hội nhập

Khi đề cập đến VPA/FLEGT, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát (Thạch Thất, Hà Nội) - một trong số hơn 40 DN chế biến gỗ của làng nghề Hữu Bằng - cho rằng  kể cả khi không có Hiệp định này thì DN vẫn xác định dùng gỗ hợp pháp.

5 thị trường XK gỗ chiếm 87% kim ngạch XK

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN &PTNT), 5 thị trường XK gỗ chủ yếu là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch XK. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2017.

Ông chia sẻ, năm 2008, theo thông tin của một người Nhật về 40ha rừng keo đến kỳ thu hoạch ở Hòa Bình, ông đến tận nơi tìm hiểu nhưng không có cây nào, suốt 3-4 năm tìm nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước nhưng không đảm bảo tính ổn định, ông đã tìm đến nguồn gỗ nhập khẩu (NK). Ông Vinh cho biết, trước đây có nhập gỗ từ Campuchia nhưng số lượng rất ít, nguồn gỗ nguyên liệu của DN này chủ yếu nhập từ châu Âu.

“Ở Thạch Thất, 100% gỗ hợp pháp bởi tất cả đều là  NK. Vì đều sử dụng gỗ NK nên giá không chênh nhau nhiều, từ đó hình thành giá sàn. Còn nếu dùng gỗ không hợp pháp không thể có giá sàn và cũng không đủ đáp ứng sản xuất bởi sản phẩm của Hữu Bằng gần như phủ cả nước, lúc nào cũng có đơn hàng…” – doanh nhân này chia sẻ. 

Cũng chọn thị trường nội địa, nhưng trong cơ cấu gỗ nguyên liệu của Nhà máy gỗ Hàm Rồng (Công ty CP gỗ Hoàng Anh Gia Lai), gỗ NK chỉ chiếm từ 5- 10% (Nam Phi), còn lại là gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước, trong đó 70% là gỗ cao su. Ông Lê Ngọc Dùng, Giám đốc Nhà máy cho biết: “Đây là nguồn gỗ ổn định, rẻ tiền, dùng làm lõi bên trong, gỗ nhập chủ yếu sử dụng làm bề mặt…”. Mặc dù sản phẩm tiêu dùng nội địa nhưng theo thông tin từ các đại lý, khách hàng cũng bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc gỗ, nhân viên bán hàng phải nắm rõ thông tin để trả lời cho khách.

Là DN xuất khẩu (XK) chủ yếu sang thị trường Mỹ, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát (MIFACO) (Bình Dương) cho biết, để XK được sang thị trường này, DN phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tính hệ thống, nguyên tắc và tuân thủ. Vì vậy, các yêu cầu đặt ra trong VPA/FLEGT hầu như không ảnh hưởng gì đến DN. “Nhưng có VPA/FLEGT thì tốt cho cái chung!” - ông Hiệp khẳng định.

Cơ quan thực thi đang thiếu công cụ?

Là “cửa ngõ” nhập gỗ từ Campuchia, suốt 1 ngày “mục sở thị” tại cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) chúng tôi không gặp xe gỗ nào làm thủ tục NK. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, bà Lê Thị Thanh Huyền nói vui: “Nhà báo cứ ở đây 1 tháng thể nào cũng thấy!”.

Theo một DN chuyên nhập gỗ từ Campuchia, nguồn gỗ NK này chủ yếu xuất sang Trung Quốc, chỉ khoảng 10% dùng nội địa. Do nhu cầu phía khách hàng Trung Quốc giảm và nguồn cung cũng ít đi nên lượng gỗ DN nhập từ đầu năm đến nay  chỉ bằng một nửa năm ngoái. Về thủ tục, DN cho biết, mọi thủ tục giấy tờ trên đất Campuchia do đối tác bên Campuchia lo, DN chỉ lo từ cửa khẩu vào Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, nếu như năm 2017, lượng gỗ NK từ Campuchia là hơn 435 nghìn m3 với giá trị gần 203 triệu USD thì 9 tháng đầu năm 2018, con số này gần 210 m3 với giá trị hơn 88 triệu USD, chưa bằng một nửa so với năm 2017.

Đại diện Cục Hải quan Gia Lai- Kontum xác nhận, lượng gỗ NK từ Campuchia (chủ yếu qua cửa khẩu Lệ Thanh) đã giảm đi đáng kể. Nếu như năm 2017, số thu thuế riêng từ gỗ xấp xỉ 140 tỷ đồng thì năm 2018 ước chỉ đạt trên 50 tỷ đồng.

Về kiểm soát gỗ hợp pháp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum cho biết, hải quan chỉ là cơ quan thực thi. Theo quy định hồ sơ nguồn gốc gỗ hợp pháp gồm Tờ khai hải quan, Bảng kê lâm sản; Giấy phép Cites (nếu buộc phải có) và Văn bản phía nước ngoài (nếu có). “Khi DN đủ hồ sơ thì cơ quan hải quan cho thông quan!”-  bà Huyền khẳng định.

Cũng theo bà Huyền, từ năm 2013 về trước, việc NK gỗ từ Campuchia theo giấy phép của Bộ Công Thương, phải có văn bản từ Bộ Công Thương Campuchia thì Bộ Công Thương Việt Nam mới có cơ sở cấp phép. “Quy định này đã được xóa bỏ để giảm thủ tục hành chính cho DN, tuy nhiên khi thực thi VPA/FLEGT có lẽ cần một cơ chế kiếm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc gỗ NK” – bà Huyền đề xuất và lưu ý cơ chế đề ra phải chắc chắn thực hiện được, kiểm soát được. 

Cùng chung băn khoăn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Nhĩ cho biết, trước đây kiểm lâm xác nhận gỗ đầu vào và đầu ra, nhưng theo quy định hiện hành, kiểm lâm không nắm được đầu vào nhưng phải xác nhận đầu ra. Cụ thể, theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT, sau hoàn thành thủ tục NK gỗ tại cơ quan Hải quan, nếu tiếp tục xuất khẩu (XK) qua nước thứ 3 hoặc vận chuyển vào trong nội địa để tiêu thụ, DN có gỗ NK không phải xuất trình cho cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi có Cửa khẩu nhập gỗ để xác nhận vận chuyển.

Thế nhưng, khi DN xuất sản phẩm ra khỏi địa bàn tỉnh phải có xác nhận đầu ra của kiểm lâm. “Do không được xác nhận đầu vào nên quả thực chúng tôi không tự tin khi xác nhận đầu ra. Vô hình trung chúng tôi lại hợp pháp hóa lâm sản không hợp pháp...” - ông Nhĩ băn khoăn.

Cũng theo ông Nhĩ, dự thảo của Thông tư sửa đổi dự định có hiệu lực vào ngày 01/01/2019 được sửa đổi theo hướng cơ quan Kiểm lâm chỉ xác nhận nguồn gốc lâm sản hợp pháp đối với gỗ khi XK; không kiểm tra, xác nhận nguồn gốc lâm sản trong quá trình chu chuyển gỗ trong nước. “Do đó, nếu chỉ xác nhận trong giai đoạn XK mà không quy định kiểm tra theo dõi nguồn gốc trong quá trình chu chuyển gỗ trong nước thì cơ quan Kiểm lâm không thể xác nhận chính xác nguồn gốc khi gỗ được XK…” - ông Nhĩ khẳng định.

Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019

Cốt lõi của Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU là hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU là có nguồn gốc hợp pháp, bất kể là gỗ khai thác trong nước hay NK vào Việt Nam. Ủy ban thực thi chung Việt Nam-EU sẽ giám sát việc áp dụng trên thực tế các điều khoản của VPA/FLEGT và sẽ có đánh giá chung trước khi hệ thống cấp phép FLEGT chính thức vận hành. Bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế và xã hội gắn với việc quản lý ngành Lâm nghiệp Việt Nam tốt hơn, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, ngăn chặn việc đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU…  

Đọc thêm