Kiểm soát chất lượng xăng dầu: Quản lý thị trường than bị “bó tay”

(PLVN) - Sau khi đường dây làm giả xăng dầu của Trịnh Sướng ở Sóc Trăng bị phanh phui, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) là đơn vị đầu tiên được nhắc đến khi dư luận quy kết trách nhiệm liên quan. Nhưng, ít người biết, lực lượng này cũng đang gặp khó vì chỉ có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra các điều kiện kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu. 
Theo quy định hiện hành, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị chủ trì thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu
Theo quy định hiện hành, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị chủ trì thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu

Không thể đơn phương kiểm tra

Ông Trần Văn Tùng - Quyền Cục trưởng QLTT Bình Dương cho hay, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là đơn vị được phân công kiểm tra đo lường chất lượng. QLTT chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra về các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định, khi thực hiện nhiệm vụ chung, nhận tin tố giác của người tiêu dùng thì Cục QLTT Bình Dương vẫn tiến hành lập đoàn kiểm tra, phối hợp cùng các đơn vị liên quan và lên đường ngay lập tức. 

“Khi có tin báo là chúng tôi đi luôn vì nếu chỉ chần chừ 1 - 2 ngày thì các cửa hàng có thể bán hết, không để lại dấu vết. Các đơn vị liên quan như lực lượng Công an, ngành KH&CN đều phối hợp thực hiện kiểm tra luôn. QLTT không thể đơn phương kiểm tra chất lượng xăng dầu do trách nhiệm này thuộc ngành KH&CN ”, ông Tùng nêu thực trạng.

Được biết, với phương thức kiểm tra này, chỉ trong 2 tháng, QLTT Bình Dương đã tiến hành lấy mẫu các cửa hàng bị tố giác, thực hiện kiểm định tại các cơ quan có chức năng kiểm nghiệm và đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng. Ông Tùng cũng chia sẻ, điều thuận lợi với lực lượng QLTT là họ có có máy test nhanh được UBND tỉnh này trang bị nên trước khi lấy mẫu để mang đến các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và nhận kết quả chính thức thì đều tiến hành test nhanh. Ông Tùng cho biết, với việc QLTT xăng dầu, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lực lượng này mới vào cuộc, không được tiến hành kiểm tra tràn lan và cũng không tiến hành theo kế hoạch thường xuyên. 

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, thực sự chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng xăng dầu không phải nhiệm vụ của Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT. Chính những giới hạn quy định của pháp luật trên mà trong đợt tổng kiểm tra xăng dầu đang tiến hành trong tuần này, đoàn kiểm tra do Tổng cục QLTT chủ trì chỉ có thể kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh; việc duy trì các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời kiểm tra  hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối; kiểm tra hợp đồng đại lý, hóa đơn chứng từ hàng hóa...

Sẽ kiến nghị nếu bất cập chính sách

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, qua đợt kiểm tra này, nếu phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách pháp luật, Tổng cục sẽ kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của Thông tư 15/2015/TT-BKHCN và Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Trong đó, Điều 27 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định, trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là chủ trì thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu; hướng dẫn quy trình xử lý xăng dầu nhập khẩu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Đồng thời, chủ trì thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động pha chế xăng dầu của thương nhân đầu mối; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng theo quy định tại Thông tư này. Cụ thể, Điều 28 Thông tư trên cũng quy định, trách nhiệm của Sở KH&CN các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thanh tra Sở KH&CN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước.

Ngoài ra, Điều 40 Nghị định 83/2014/NĐ-CP cũng quy định Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Tại điều này cũng quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm thi hành các điều liên quan đến điều kiện về kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, một số điều khoản khác của Nghị định này cũng cho thấy, Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và quy định có liên quan về điều kiện thực hiện tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. 

Đọc thêm