Kiểm toán nhà nước chỉ ra lỗ hổng làm thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

(PLO) - Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng không bắt buộc áp dụng phương pháp nào, với mỗi phương pháp chênh lệch giá trị hàng chục lần. Chỉ riêng năm 2017, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính gần 7.800  tỷ đồng…
Ảnh minh họa: Theo Tổng KTNN, hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí
Ảnh minh họa: Theo Tổng KTNN, hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí

Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, SDĐ đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” do KTNN tổ chức hôm nay, 6/12.

Quy định tùy nghi, thất thoát “khủng”

Tại Hội thảo, Tổng KTNN, TS. Hồ Đức Phớc cảnh báo: Thời gian gần đây, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.

Chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý đất đai, một loạt hạn chế đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng đến nay vẫn hiện hữu như: Công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả KT-XH- môi trường; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển KT-XH; việc sử dụng đây (SDĐ) nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực thất thu NSNN trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn…

“Nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp Luật Đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát NSNN…”- Tổng KTNN khẳng định.

Ông dẫn chứng, chỉ riêng về xác định giá đất, theo quy định hiện hành (Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Thông tư 36/2014/TT-BTNMT) có 05 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào, do đó các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị, vì vậy đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát NSNN. Những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất không những giữa các phương pháp khác nhau mà còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường khó khả thi, vì chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, giả định, không đủ cơ sở xác định chính xác giá đất…

“Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí….”- Tổng KTNN khẳng định.

Nhận diện sai phạm

Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, mặc dù đã có Luật Đất đai 2013, nhưng sai phạm trong quản lý và SDĐ vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân SDĐ với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về KT-XH, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm,… Ông khẳng định: “Sai phạm trong quản lý và SDĐ không có nguyên nhân khách quan, đều là cố tình, tức là nguyên nhân chủ quan, không thể do bối cảnh hoàn cảnh lịch sử để giải thích…”

Căn cứ vào tính chất, mức độ và động cơ sai phạm trong quản lý và SDĐ ở nước ta những năm gần đây và dự báo trong 5-10 năm tới, TS Ánh chia sai phạm trong quản lý và SDĐ thành 3 nhóm: Sai phạm của tổ chức cá nhân có quyền và trách nhiệm quản lý đất; Sai phạm của tổ chức cá nhân có quyền SDĐ; Sai phạm của tổ chức cá nhân có liên quan đến quản lý và SDĐ.

“Sai phạm ngành đất đai không ít hơn ngành ngân hàng, tôi ước đoán phải cỡ vài trăm nghìn tỷ đồng. Chúng ta không kỳ vọng ngăn chặn được tất cả nhưng làm sao giảm thấp nhất thiệt hại cho nhà nước...”- Chuyên gia phát biểu.

Bên cạnh giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thông tin về đất đai, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tăng cường hơn nữa vai trò của KTNN trong kiểm soát, ngăn chặn, đặc biệt thu hồi tài sản cho nhà nước…

Theo báo cáo của KTNN, việc giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá nên việc xác định theo các phương pháp hiện hành do địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế, sai sót và làm thất thoát NSNN q Năm 2017,Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, việc xác định giá đất của nhiều dự án còn kéo dài, chưa đảm bảo thời gian các bước theo quy trình, làm chậm thu vào NSNN. Nếu tính toán như phạt chậm nộp về thuế tại một số địa phương có đủ căn cứ tính thì số tiền phạt chậm nộp do chậm xác định giá đất, chậm phát hành thông báo thu tiền SDĐ 1.074 tỷ đồng.

Đọc thêm